Ra 'đầu ngõ' đón đồng bào trở về từ miền Nam
Sau khi được nới lỏng giãn cách, hàng trăm công dân đã di chuyển bằng xe máy trở về quê nhà từ các tỉnh, thành phố phía Nam. Sau mấy đêm ngày di chuyển không ngơi nghỉ để vượt gần 2 nghìn km, ở đoạn cuối hành trình trên Quốc lộ 70, từ huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái), họ vượt qua cầu Ngòi Chỉ để chạm vào miền đất quê nhà Lào Cai với sự xúc động, bùi ngùi. Ở ngay trên đầu cầu, đón họ là lực lượng công an, dân quân, cán bộ y tế, cán bộ xã Phúc Khánh (Bảo Yên) với sự quan tâm chân thành nhất.
Chiều 6/10, phóng viên Báo Lào Cai có mặt tại Chốt kiểm soát dịch trên Quốc lộ 70 thuộc địa phận xã Phúc Khánh (Bảo Yên) để phản ánh công tác đón công dân trở về của các lực lượng chức năng.
Đúng vị trí “cửa ngõ” của tỉnh trên Quốc lộ 70, bên cạnh tấm biển bằng bê tông xây dựng kiên cố đắp hình chữ nổi “Lào Cai kính chào quý khách” là một ba-ri-e bắc ngang đường biển nền đỏ, chữ vàng ghi “Chốt kiểm soát dịch Covid-19”.
16 giờ 35 phút, Đại úy Hoàng Quốc Toản, Phó trưởng Công an xã Phúc Khánh, Chốt trưởng kiểm soát dịch trên Quốc lộ 70 tất bật với những cuộc liện lạc với Tổ Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Yên Bái - lực lượng đang làm nhiệm vụ dẫn đường cho khoảng 40 xe máy chở 73 công dân di chuyển từ tỉnh Bình Dương hồi hương Lào Cai. Sau cuộc điện thoại, anh thông báo rành rọt: “Còn khoảng một tiếng nữa”, ít phút sau anh lại mở máy như một phản xạ rồi tiếp tục thông báo vẻ sốt sắng: “Vậy là còn những hơn 30 phút nữa”.
Sau cuộc điện thoại, dường như quên cả sự có mặt của chúng tôi và những câu phỏng vấn chưa kịp trả lời, Chốt trưởng Hoàng Quốc Toản vội rảo bước về khoảng sân trước dãy nhà công vụ để chỉ đạo các đồng chí công an viên xếp gọn các xe máy, chuẩn bị đón đoàn, kiểm tra điều kiện chuẩn bị hỗ trợ công dân hồi hương tại lán dã chiến và hỏi thăm công tác sẵn sàng của lực lượng y tế.
16 giờ 46 phút. Chợt nhớ ra còn nợ câu trả lời phóng viên, Chốt trưởng Hoàng Quốc Toản xởi lởi: “Từ tối qua đến giờ, Chốt đón tổng số bốn đoàn công dân hồi hương từ miền Nam rồi. Đoàn đầu tiên 15 người, đoàn thứ hai 19 người, đoàn thứ ba 39 người, đoàn thứ tư có 38 người, đoàn chốc nữa về là đông nhất. Anh em đón đoàn quen rồi, di chuyển liên tục bằng xe máy mấy ngày đêm liền nên ai cũng như kiệt sức, việc đầu tiên là cho bà con nghỉ ngơi, ăn uống rồi mới cho bà con khai báo, kiểm tra y tế”.
16 giờ 57 phút. Chốt trưởng tiếp tục thông báo: “Còn khoảng 30 phút nữa là đoàn về tới đây các đồng chí nhé”. Người phụ nữ trẻ tuổi gọn gàng trong bộ đồng phục vừa tất bật với việc căng chỉnh dây néo rạp dã chiến dựng bên mép suối Ngòi Chỉ vội hớt hải cùng mấy cán bộ dân quân, công an viên lo việc hậu cần. Tôi liếc biển tên của chị: Bà Hứa Thị Nhiệm, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh, về sau biết thêm chị kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid 19 của xã.
Giữa phút giải lao, Phó Chủ tịch UBND xã Hứa Thị Nhiệm thông tin: Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của huyện, tối 5/10, các thành viên Ban chỉ đạo và Trung tâm phòng, chống dịch bệnh của xã đã có mặt và huy động lực lượng tham gia san tạo mặt bằng, dựng rạp dã chiến làm điểm dừng đỗ, ăn uống, nghỉ ngơi cho đồng bào hồi hương từ miền Nam. Trong đêm, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của xã đã túc trực tại rạp dã chiến tới 3 giờ sáng, sau đó Ban chỉ đạo cử các đồng chí thường trực bám hiện trường 24/24 giờ để chỉ đạo công tác hỗ trợ công dân.
17 giờ 13 phút. Chốt trưởng thông báo đoàn còn cách khoảng 10 km. Những người có mặt đều ai vào việc nấy, các đồng chí công an viên, dân quân kê dọn bàn ghế, đun nước sôi để làm mỳ tôm cho công dân và khui các thùng sữa đậu nành. Nước uống ở các bình cỡ lớn tiếp tục được rót ra chai nhỏ để đồng bào có thể sử dụng riêng, đảm bảo vệ sinh, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh tật.
Chỉ vào số lương thực cao chất trên bàn, chị Nhiệm bảo: “Mỳ tôm do huyện và xã hỗ trợ, chiều nay chị Nguyễn Thị Lan, chủ cửa hàng tạp hóa Đông Lan, thôn Cầu Cốc trong xã mang 5 thùng sữa đậu nành Fami đến ủng hộ. Xã đang vận động các nhà hảo tâm tham gia ủng hộ vì trong những ngày tới số đồng bào trở về quê tránh dịch có thể còn đông hơn”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hứa Thị Nhiệm cũng cho biết thêm, từ khi dịch Covid 19 bùng phát ở một số tỉnh, thành phía Nam, xã Phúc Khánh đã rà soát từng trường hợp cụ thể. Hiện, xã có hơn 200 công dân, chiếm khoảng 5% dân số của xã đang lao động, làm việc tại miền Nam, chủ yếu là tại tỉnh Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có 6 người đang trên đường về quê bằng xe máy. Ban Chỉ đạo và Trung tâm phòng, chống dịch bệnh của xã đã đề nghị gia đình liên lạc chặt chẽ với con em, người thân ở các tỉnh, thành phía Nam đang có dịch để nắm bắt nhu cầu di chuyển, thời điểm, phương tiện di chuyển nhằm chủ động việc đón tiếp, hỗ trợ.
17 giờ 26 phút. Tiếng còi xe cảnh sát dẫn đường vang lên phía huyện Lục Yên cũng là lúc lực lượng y tế đã mặc đồ bảo hộ, các đồng chí cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông vào vị trí để đón tiếp, hướng dẫn đồng bào trở về vị trí dừng đỗ. Trên cầu Ngòi Chỉ nối tỉnh Yên Bái với Lào Cai, sau xe Cảnh sát giao thông đèn sáng nhấp nháy là đoàn người đi trên xe máy nối dài. Mọi người ai cũng bịt mặt, trùm áo khoác, khăn, khẩu trang, mũ kín mít, có những xe kẹp trẻ em ở giữa nhưng bên hông, sau xe máy vẫn buộc lỉnh kỉnh những ba lô, túi đồ cá nhân.
“Chúc mừng bà con đã trở về quê hương an toàn, bà con bình tĩnh dựng xe vào vị trí, sau đó ra lán, rạp nghỉ ngơi và ăn, uống”, giọng Chốt trưởng, Đại úy Hoàng Quốc Toản sang sảng qua loa cầm tay.
Trong mấy chục xe máy, tôi để ý một xe chở đến 4 người, trong đó có 2 trẻ em, đó là gia đình chị Lồ Thị Sai, thôn Nậm Giá, xã Cốc Ly (Bắc Hà). Tháng 11/2020, gia đình chị vào Bình Dương làm công nhân kiếm kế sinh nhai. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gần 2 tháng nay vợ chồng chị Sai phải nghỉ việc, không có thu nhập. Không có tiền để đảm bảo cuộc sống, hơn một tháng qua, gia đình chị Sai phải sống nhờ sự trợ giúp của các đoàn từ thiện. Vừa có quy định nới lỏng giãn cách là cả nhà chị Sai quyết định về quê hương bằng xe máy.
Chị Sai chia sẻ: Từ tối 2/10 đoàn khởi hành, di chuyển liên tục, chỉ dừng lại ít phút để nghỉ và ăn uống ở các trạm dừng chân rồi lại lên đường. Nhưng lo lắng vẫn dồn vào hai đứa nhỏ, đến thành phố Vinh (Nghệ An) thì trời mưa to, gió lớn, cả gia đình ướt hết, đoàn vẫn tiếp tục và quần áo cũng tự khô, may là bọn trẻ không bị ốm.
Ở gần đó, hai bố con anh Giàng A Thuận, thôn Cốc Pục, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) đang nô đùa dù trên gương mặt người bố vẫn nặng trĩu vẻ mệt mỏi. Điều kỳ diệu đã xảy ra, dù anh không dám nghĩ đến nhưng đứa con vừa tròn 2 tuổi của anh bế ẵm trên tay trong suốt hành trình di chuyển bằng xe máy kéo dài tới 3 đêm 4 ngày đã an toàn về tới quê hương.
Hòa vào dòng người Lào Cai hồi hương từ Bình Dương tối 2/10 còn có anh Giàng A Xóa, xã Xuân Thượng (Bảo Yên). Anh trở về quê sau suốt ba tháng thất nghiệp không có thu nhập phải sống lay lắt từ sự hỗ trợ của các đoàn từ thiện, nhà hảo tâm, trên đường về quê cũng phải nhờ những điểm hỗ trợ thực phẩm, nước uống để lấy sức di chuyển.
18 giờ 00 phút. Sau khi tiếp nhận những bát mỳ tôm nóng hổi, những hộp sữa đậu nành giàu dinh dưỡng, cộng với cảm xúc được đặt chân lên "đất mẹ”, cả đoàn người vẻ mặt ai cũng rạng rỡ hẳn lên. Trời nhá nhem, điện đã được bật lên, những cán bộ thuộc các lực lượng y tế, công an, dân quân, cán bộ xã lại bắt đầu nhiệm vụ mới, sắp xếp công dân các địa phương trong tỉnh thành từng tốp và tổ chức cho mọi người khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe, lấy mẫu mẫu xét nghiệm nhanh trước khi cập nhật vào kho dữ liệu dân cư Quốc gia.
Hoàn thành các thủ tục kiểm soát công dân, y tế, các công dân tiếp tục nghỉ ngơi và chờ phương tiện của các huyện, thị xã, thành phố tới đón về khu cách ly tập trung. Trở về quê an toàn, những công dân được đón tiếp từ “đầu ngõ” bằng sự quan tâm, chăm sóc chu đáo, nồng hậu khiến cho những mệt mỏi, khổ đau, đói khát của ngày hôm qua lùi xa.
Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/348063-ra-dau-ngo-don-dong-bao-tro-ve-tu-mien-nam