Ra đề, chấm môn Ngữ văn như thế nào để đánh giá đúng năng lực của học sinh?

Theo Chương trình mới, năng lực của môn Ngữ văn bao gồm năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học.

Mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phát triển phẩm chất và năng lực người học, trong đó năng lực là điểm mới quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, nội dung chương trình được thiết kế theo hướng phát triển năng lực (với 4 kỹ năng: đọc, viết, nói và nghe) của học sinh.

Nếu trước đây, dạy học theo nội dung thì chương trình hiện hành chuyển sang dạy học theo hướng phát triển năng lực người học. Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá cũng cần phải theo hướng yêu cầu đánh giá năng lực. Điều này có nghĩa là đề thi, đáp án và hướng dẫn chấm cũng được xây dựng đồng bộ theo hướng đó.

Hiểu cơ bản, đánh giá năng lực là yêu cầu thí sinh phải biết vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã học vào một ngữ liệu mới, tương tự ngữ liệu đã học. Do đó, việc đánh giá năng lực viết không thể thực hiện bằng hình thức trắc nghiệm mà phải yêu cầu thí sinh viết văn bản (đoạn văn, bài văn) từ văn bản ngữ liệu mới.

Theo Chương trình mới, năng lực của môn Ngữ văn bao gồm năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học. Vì vậy, đề thi theo hướng năng lực bao gồm phần đọc hiểu và phần viết.

 Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Câu hỏi đọc hiểu là công cụ để đánh giá nhiều năng lực của học sinh

Để câu hỏi đọc hiểu phát huy tối đa năng lực của học sinh thì ngữ liệu phải chuẩn từ nội dung tư tưởng đến hình thức trình bày. Ngữ liệu tốt sẽ tạo điều kiện cho học sinh thể hiện khả năng tư duy, phân tích, đánh giá; đồng thời giúp các em mở rộng hiểu biết về kiến thức và thế giới xung quanh.

Thứ nhất, khi chọn ngữ liệu đọc hiểu cần chú ý cả ngữ liệu kinh điển và đương đại, nếu ngữ liệu đương đại phải thực sự tiêu biểu. Nội dung ngữ liệu được sàng lọc kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, tránh những nội dung cực khó hoặc cực dễ.

Chẳng hạn, từng có đề kiểm tra định kỳ lớp 12, ngữ liệu lấy trong sách giáo khoa tiểu học (“Hạt gạo làng ta” – Trần Đăng Khoa) để thiết kế đề kiểm tra, những văn bản này không đủ thách thức học sinh trung học phổ thông.

Đáng lưu ý hơn, tránh lấy ngữ liệu có nội dung nhạy cảm như mô tả bạo lực hoặc tệ nạn xã hội. Ví dụ, đề kiểm tra cuối học kỳ 1 môn Ngữ văn lớp 9 của một huyện ở Tây Nguyên, đã sử dụng một đoạn văn có nội dung về “mẹ chồng và con dâu đều góa bụa”.

Nội dung này bị đánh giá là dung tục, không phù hợp với lứa tuổi học sinh và gây phản cảm. Do đó, việc lựa chọn ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra đòi hỏi sự cẩn trọng và chuyên môn cao.

Thứ hai, cần chú ý hình thức trình bày. Nếu là truyện, phần tóm tắt bối cảnh văn bản hoặc lược trích nên ngắn gọn để học sinh hiểu được sự liền mạch và tính chỉnh thể của tác phẩm. Nên trình bày bằng cỡ chữ nhỏ hơn, in nghiêng.

Chẳng hạn, đề minh họa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 lần 1, ngữ liệu cho đoạn trích trong sử thi “Đăm Săn”, phần giới thiệu chỉ có 2,5 dòng, được in đứng trong khi ngữ liệu in nghiêng.

Nếu là thơ, việc đánh số đoạn/ câu/ khổ thơ hoặc sử dụng chữ in đậm, in nghiêng khi có dụng ý của người ra đề; không nên tùy tiện, không có dụng ý sẽ làm thí sinh phân tâm.

Phần ghi nguồn trích dẫn phải đúng theo quy cách. Chỉ nên chú thích những từ ngữ thực sự khó hiểu và cung cấp những thông tin về tác giả khi thật sự cần thiết, tránh gây mất thời gian đọc của thí sinh.

Thứ ba, xây dựng câu hỏi và câu dẫn cũng thật thận trọng. Câu dẫn trong đề sử dụng một trong hai hình thức sau: Nếu câu dẫn “Đọc văn bản và trả lời các câu hỏi bên dưới” thì các yêu cầu đọc hiểu đều phải diễn đạt bằng câu hỏi, có dùng từ để hỏi và có dấu chấm hỏi.

Hoặc, nếu câu dẫn “Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu bên dưới” thì các yêu cầu có thể diễn đạt bằng câu hỏi hoặc câu lệnh.

Những câu hỏi phải liên kết với văn bản đọc, vừa sức học sinh, tránh quá dễ, gây nhàm chán. Các câu hỏi cần bám sát đặc trưng thể loại của văn bản, hỏi cả về nội dung và hình thức.

Mỗi câu hỏi chỉ nêu một yêu cầu, không nên nêu quá nhiều yêu cầu và nên sử dụng các khái niệm, thuật ngữ đúng trong Chương trình Ngữ văn 2018. Câu hỏi về Tiếng Việt nên chú trọng đến các đơn vị kiến thức học ở lớp 12, sau đó là phạm vi lớp 11, 10, đặc biệt là các biện pháp tu từ.

Chẳng hạn, đề minh họa lần 2 kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Ngữ liệu là đoạn trích trong bài thơ “Một thân cây một tàng lá một bông hoa” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Các câu hỏi đều liên kết với đoạn thơ trong đề bài; đa dạng, không lặp lại một kiểu, bám sát đặc trưng thể loại.

Câu 1 yêu cầu xác định thể thơ, trực tiếp khai thác đặc trưng thể loại của văn bản. Câu 2 và 3 tập trung vào việc phân tích hình ảnh so sánh và hiệu quả của hình thức lời tâm sự, đây là những yếu tố quan trọng trong thơ trữ tình. Câu 4 yêu cầu học sinh theo dõi diễn biến cảm xúc của nhân vật trữ tình, thể hiện sự chú trọng đến yếu tố nội dung đặc trưng của thơ. Chỉ có câu 5 vận dụng kiến thức bản thân, để học sinh nêu quan điểm cá nhân.

Câu hỏi phần viết thiết kế tường minh để phát huy năng lực học sinh

Chương trình 2018 đã nêu yêu cầu về đánh giá năng lực viết từ 2018 là: “Việc đánh giá kĩ năng viết cần dựa vào các tiêu chí chủ yếu như nội dung, kết cấu bài viết, khả năng biểu đạt và lập luận, hình thức ngôn ngữ và trình bày,...”. Vì thế, câu hỏi yêu cầu năng lực viết phải tường minh, kích thích tư duy sáng tạo của học sinh.

Thứ nhất, câu hỏi có thể đặt ra các vấn đề liên quan hoặc không liên quan đến nội dung văn bản đọc hiểu, cũng như cách nêu hoặc không nêu trong câu lệnh và cách giải quyết trong đáp án, hướng dẫn chấm. Trong đề bài, cần phân biệt “đoạn văn” và “bài văn” rõ ràng.

Chẳng hạn, câu 1 liên quan trực tiếp đến văn bản đọc hiểu: “phân tích hình ảnh Hà Nội qua cảm nhận của nhân vật trữ tình”. Đây là dạng câu hỏi đòi hỏi học sinh phải bám sát văn bản, sử dụng kiến thức đọc hiểu để phân tích và làm rõ vấn đề. Hướng dẫn chấm cần tập trung vào việc đánh giá khả năng phân tích, cảm nhận và diễn đạt của học sinh về hình ảnh Hà Nội được thể hiện trong văn bản.

Thứ hai, câu dẫn trong đề nghị luận xã hội cần hay, gợi được cảm hứng, cảm xúc cho học sinh; ưu tiên những câu dẫn có nguồn (chính danh); thông điệp nội dung câu dẫn cần thống nhất với câu lệnh, liên quan chặt chẽ với câu lệnh.

Câu lệnh cần rõ ràng, chỉ nên dùng một đơn vị từ ngữ diễn đạt một vấn đề, tránh sử dụng nhiều từ ngữ đồng/ gần nghĩa trong câu lệnh như: “Hãy phân tích vai trò, tác dụng, ý nghĩa và giá trị của...” chỉ thêm rối rắm. Chỉ nên chọn một từ ngữ chính xác nhất trong bốn từ: vai trò, tác dụng, ý nghĩa, giá trị.

Chẳng hạn, trong đề minh họa lần 2, câu dẫn: “Hiện nay, nhiều người hào hứng đón nhận lợi ích của trí tuệ nhân tạo nhưng không ít người lo lắng về sự phụ thuộc của con người vào nó”. Câu dẫn và câu lệnh có sự liên kết chặt chẽ về mặt nội dung. Tuy nhiên, câu dẫn này không sử dụng nguồn trích dẫn cụ thể, có thể làm giảm tính thuyết phục của câu dẫn.

Thứ ba, nội dung tập trung vào yêu cầu các vấn đề xã hội liên quan đến tuổi trẻ, cần chú ý bối cảnh chính trị xã hội của đất nước.

Chẳng hạn, câu nghị luận xã hội (đề minh họa lần 2) đề cập đến vấn đề trí tuệ nhân tạo, một lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của con người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Đề bài yêu cầu học sinh trình bày suy nghĩ “từ góc nhìn của người trẻ” cho thấy sự quan tâm đến quan điểm, suy nghĩ của thế hệ trẻ. Đề thi quan tâm đến các vấn đề xã hội liên quan đến tuổi trẻ, đồng thời chú trọng đến bối cảnh chính trị xã hội của đất nước.

Đáp án, hướng dẫn chấm là thước đo chính xác năng lực học sinh

Đề thi đảm bảo yêu cầu đánh giá năng lực thì đáp án và hướng dẫn chấm cũng phải phù hợp với đề thi và yêu cầu của chương trình.

Thứ nhất, đối với câu hỏi đọc hiểu của đề thi đánh giá năng lực, đáp án cần chú trọng yêu cầu thông tin đúng. Điều này nhấn mạnh việc kiểm tra khả năng nắm bắt thông tin cốt lõi của văn bản, chứ không yêu cầu học sinh học thuộc lòng hoặc tránh diễn đạt lan man.

Hướng dẫn chấm yêu cầu trả lời thẳng vào câu hỏi, câu trả lời rõ ràng, súc tích; tránh viết dài dòng thành đoạn văn, lan man, không tập trung vào trọng tâm câu hỏi. Có như thế, giám khảo mới đánh giá chính xác khả năng đọc hiểu và tư duy logic của học sinh; đồng thời giúp học sinh tiết kiệm thời gian làm bài.

Thứ hai, đối với câu hỏi mở thì đáp án phải mở, chỉ nêu lên hướng giải quyết vấn đề và gợi ý một số nội dung cụ thể minh họa cho cách giải quyết ấy.

Như vậy, thí sinh mới mạnh dạn đưa ra quan điểm, cách hiểu riêng của mình. Cũng có những bài viết có cách diễn đạt khác, có tư duy phản biện mà có sức thuyết phục thì nên trân trọng. Đó thực sự là bản chất của đánh giá năng lực học sinh theo quan điểm của chương trình mới.

Thứ ba, để đánh giá đúng năng lực bài viết, đáp án cần có cả nội dung (ý) và hình thức (hành văn), hướng dẫn chấm cần coi trọng cả hai.

Nếu chỉ “đếm ý” để cho điểm thì chưa đánh giá đúng năng lực tạo lập văn bản của thí sinh. Một bài viết tốt phải đáp ứng cả hai tiêu chí: có ý tưởng sâu sắc và không mắc các lỗi cơ bản (diễn đạt lủng củng, mơ hồ, sai ngữ pháp, dùng từ sai, chữ viết không cẩn thận).

Đáp án cần nêu rõ các yêu cầu về hình thức diễn đạt, trình bày và các hướng dẫn chi tiết về việc trừ điểm khi bài viết mắc quá nhiều lỗi.

Quy định trừ điểm hiện tại theo nhiều người là còn quá nhẹ (chỉ trừ 0,25), không phản ánh đúng tầm quan trọng của việc tạo lập văn bản. Vì vậy, có thể xem xét tăng điểm kỹ năng để tạo động lực cho học sinh rèn luyện kỹ năng viết.

Tóm lại, mục tiêu cốt lõi của việc dạy và học Ngữ văn là giúp học sinh nâng cao năng lực tiếp nhận và tạo lập văn bản. Để đạt được điều này, giáo viên cần đặc biệt chú trọng rèn luyện cho các em kỹ năng đọc và viết, cả về nội dung lẫn hình thức diễn đạt và trình bày.

Yêu cầu đánh giá trong đáp án của các kỳ thi có tác động rất lớn đến phương pháp dạy và học. Vì vậy, hy vọng rằng với những yêu cầu mới này, việc dạy kỹ năng viết sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

Từ đó, thí sinh sẽ phải tập trung vào hai yêu cầu quan trọng là nêu được hệ thống ý rõ ràng, mạch lạc và diễn đạt, trình bày ý một cách sáng sủa, hấp dẫn.

Để đánh giá chính xác năng lực viết, cần bám sát yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Chương trình quy định: “Việc đánh giá kỹ năng viết cần dựa vào các tiêu chí chủ yếu như nội dung, kết cấu bài viết, khả năng biểu đạt và lập luận, hình thức ngôn ngữ và trình bày,...”. Do đó, việc đánh giá năng lực viết là thực thực hiện đúng theo yêu cầu đã được đề ra. Từ đó, người dạy cần thiết sẽ điều chỉnh lại việc dạy học Ngữ văn trong nhà trường phổ thông theo đúng hướng phát triển năng lực người học.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Trần Văn Tâm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ra-de-cham-mon-ngu-van-nhu-the-nao-de-danh-gia-dung-nang-luc-cua-hoc-sinh-post250284.gd