'Ra đi' để trở về - không còn cuộc ly hương xót xa
'Ra đi' để trở về, những người lao động mất vì dịch Covid-19 không còn đau đáu những chuyến ly hương vì cuộc sống. 'Cuộc chiến' giữa thời bình đã để lại nhiều mất mát lớn.
Nếu ai đã từng xem chương trình VTV đặc biệt “Ranh giới”, với sự hiện hữu là người thật, việc thật trong hành trình sự sống và chết, thì sẽ cảm nhận được những hình ảnh đầy cảm xúc về “cuộc chiến” chống dịch chưa từng có trong lịch sử dân tộc. Những giọt nước mắt của những người mang trên người nhiệm vụ thiêng liêng bất lực nhìn bệnh nhân rơi vào bàn tay tử thần. Sự hoảng sợ của thai phụ nhưng đầy sự can trường trước ngưỡng cửa sinh - tử vẫn quyết tâm bảo vệ mạng sống con mình dù chỉ còn là hơi thở cuối cùng…
Tro cốt người mất vì dịch Covid-19 được đưa trở về quê nhà. Ảnh: SONG LÊ
Một trong những nhân vật trong “Ranh giới” là người con của quê hương Sóc Trăng, chị V.T.K.N ở huyện Cù Lao Dung. Như bao người rời quê khác, vợ chồng chị N cùng nhau lên TP. Hồ Chí Minh làm công nhân với mong muốn có cuộc sống ổn định hơn. Đến thời điểm dịch bệnh bùng phát thì cả hai vợ chồng đều bị phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2, lúc này chị N đang ở những tháng cuối thai kỳ. Trong thời gian cách ly y tế điều trị, bệnh tình người mẹ chuyển biến nặng, các bác sĩ phải tiến hành mổ bắt con, còn chị đã ra đi mãi mãi. Anh Đ (chồng chị N) xúc động kể: “Bồng trên tay đứa trẻ sơ sinh cùng tro cốt vợ, khiến tôi chết lặng. Bàn thờ lập tạm trong căn nhà trọ nhỏ, khi tôi đưa con gái sơ sinh trước di ảnh để báo tin mẹ đã mất, từ tình cảm thiêng liêng mẫu tử, bé khóc thét, làm tôi cũng nghẹn giọng cùng con…”.
Hoàn cảnh khó khăn, gà trống nuôi 2 con, chưa thể nào lấy lại tinh thần khi vợ mất, anh Đ có nguyện vọng cùng 2 con về quê để có người thân chăm sóc, sau đó được Ban CHQS Quận 8, TP. Hồ Chí Minh đưa về tận nhà. Anh Đ cho biết: “Về nhà an toàn, đoàn tụ với người thân, tôi vẫn nặng lòng khi nhìn 2 con nhỏ, đây là nỗi đau không có gì bù đắp được. Rồi lại nghĩ về tháng ngày vất vả, tôi tự an ủi coi như vợ mình được giải thoát, trở về với đất mẹ, không còn gánh nặng cơm, áo…”.
Tiếp nhận linh cốt của con trai 25 tuổi, ông N.V.A (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) tâm sự: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên con tôi đi làm công nhân ở xưởng gỗ tỉnh Bình Dương gần 7 năm nay, nó có hiếu lắm, làm gì cũng nghĩ đến gia đình. Thương nhất là mỗi lần về nghỉ tết rồi đi, thấy con tay xách, nách mang mà rớt nước mắt. Khi hay tin con mắc bệnh Covid-19 qua đời, gia đình tôi vô cùng đau xót”.
Ông cho biết lúc biết tin buồn, gia đình rất muốn được đưa linh cốt của con về quê an táng nhưng dịch bệnh kéo dài. Ông mới được nhận tro cốt của con do Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh Sóc Trăng tổ chức trao. Ôm hũ tro cốt, nước mắt chảy ngược, ông khấn nguyện con trai mình hãy ngủ thật bình yên, sẽ không còn những chuyến đi bịn rịn nữa…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, thời gian qua tỉnh Sóc Trăng có 54 người mất vì dịch bệnh. Sự mất mát này không chỉ là nỗi đau của mỗi gia đình có người thân tử vong, mà còn là nỗi đau của toàn xã hội. Đại dịch ập đến, chứng kiến sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, không việc làm, ảnh hưởng thu nhập, nhiều lao động rơi vào khó khăn, bế tắc. Cảm thông, thấu hiểu, bằng tất cả trách nhiệm, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tỉnh Sóc Trăng đã và đang làm hết sức mình để giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra.
Cả nước đã có hàng ngàn người mất vì Covid-19. Hành trình “chống dịch như chống giặc” thật sự đầy cam go giữa thời bình với nỗi đau sinh ly, tử biệt trên chiến trường không tiếng súng. Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã dành phút mặc niệm đồng bào, đồng chí, chiến sĩ hy sinh, từ trần vì dịch bệnh Covid-19 vừa qua. Đó là những giây phút lắng đọng nhất, thành tâm cầu nguyện đến những người đã mất, chia sẻ nỗi đau của những gia đình có người thân qua đời, những trẻ em không còn cha mẹ, người thân vì đại dịch.
Thời gian gần đây, người lao động ồ ạt về quê. Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, mỗi sự thiếu ý thức, trách nhiệm của bất cứ cá nhân hay đơn vị nào cũng có thể làm ảnh hưởng đến nỗ lực của cả cộng đồng. Vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn hãy là một “pháo đài” vững chắc, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người dân hãy là một "chiến sĩ" tích cực tham gia trên mặt trận phòng, chống Covid-19.