Ra đòn trừng phạt mới, phương Tây bị Nga nói là 'tự hủy diệt'
Mỹ hôm 2-6 công bố các biện pháp trừng phạt mới lên giới tài phiệt và giới tinh hoa Nga, cũng như giới chức Điện Kremlin và nhiều doanh nhân có liên hệ với Tổng thống Vladimir Putin.
Các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cũng nhằm vào ông Sergei Roldugin (người quản lý tài sản của ông Putin ở nước ngoài), ông God Nisanov (một trong những người đàn ông giàu nhất châu Âu) và ông Alexey Mordashov (một trong những tỉ phú giàu nhất nước Nga) cùng với vợ và hai con.
Lệnh trừng phạt cũng gọi tên Công ty môi giới du thuyền Imperial Yachts, có trụ sở tại Monaco.
Theo hãng tin Reuters, Mỹ cũng liệt 71 thực thể Nga và Belarus vào danh sách đen, bao gồm một số nhà máy chế tạo máy bay và viện nghiên cứu và xưởng đóng tàu. Tính đến nay, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt 322 thực thể vào danh sách đen kinh tế vì cáo buộc hỗ trợ cho quân đội Nga kể từ tháng 2.
Hôm 2-6, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã chấp thuận vòng trừng phạt thứ 6 của khối này đối với Nga, sau nhiều bất đồng với Hungary.
Các nhà lãnh đạo EU đồng ý lệnh cấm nhập khẩu dầu thô sẽ có hiệu lực hoàn toàn vào cuối năm 2022. Gói trừng phạt mới bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga vận chuyển bằng đường biển và trong tương lai sẽ mở rộng sang cả vận chuyển bằng đường ống. Hungary và hai quốc gia Trung Âu không giáp biển khác được bảo đảm miễn trừ về việc nhập khẩu dầu qua đường ống.
Vòng trừng phạt thứ 6 này cũng bao gồm việc loại ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank khỏi hệ thống giao dịch quốc tế SWIFT. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay: "Các biện pháp mới sẽ làm giảm khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga".
Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga có khả năng gây mất ổn định thị trường năng lượng toàn cầu, gọi đây là hành động "tự hủy diệt" có thể gây phản tác dụng của EU. Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow sẽ vượt qua hậu quả của các biện pháp trừng phạt đơn phương do EU áp đặt, đồng thời tuyên bố vẫn là một đối tác thương mại đáng tin cậy trên trường quốc tế.
Sau khi EU quyết định cấm vận phần lớn dầu Nga, giới chuyên gia nhận định động thái này khó có thể gây tổn thương đáng kể cho Moscow trong thời gian tới như châu Âu kỳ vọng. Lệnh cấm sẽ làm giảm sản lượng dầu Nga xuất sang châu Âu nhưng Moscow có thể bù đắp thông qua việc giá dầu thế giới tăng nhanh chóng.