Ra hàng ít, nhà phố đón dấu hiệu khởi sắc

Các giao dịch được ghi nhận gần đây trên thị trường đều đến từ các dự án có hạ tầng, pháp lý hoàn chỉnh.

Từ cuối tháng 3 đến nay, những thông tin về hạ lãi suất điều hành cùng với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng đã được triển khai cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã có giá trị tác động rất tích cực đến thị trường bất động sản (BĐS).

Chủ đầu tư bán thăm dò, nhà đầu tư trở lại

Trái với chuỗi ngày chậm nhịp cuối năm ngoái, ba tháng đầu năm 2023 thị trường BĐS khởi sắc hơn. Đặc biệt, kể từ đầu tháng 3, sau khi Chính phủ có hàng loạt động thái rõ ràng nhằm tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường lành mạnh, bền vững, thị trường bắt đầu ghi nhận nhiều chủ đầu tư mở bán hàng và nhà đầu tư nhỏ lẻ quan tâm trở lại.

Thích ứng linh hoạt theo nhu cầu của khách hàng, thị trường đang tự bước vào chu kỳ sàng lọc khắt khe. Theo đó, cơ hội thuộc về các dự án nhà ở, khu đô thị, khu dân cư đã hình thành; hạ tầng, pháp lý hoàn thiện, được quy hoạch đồng bộ, hướng tới nhu cầu ở thực. Đó là lý do các giao dịch được ghi nhận gần đây đều đến từ các dự án có hạ tầng, pháp lý chuẩn chỉnh.

Ông LÊ TIẾN VŨ, Phó Tổng giám đốc Cát Tường Group

Mới đây, đại diện Cát Tường Group cho biết doanh nghiệp (DN) vừa mở bán hai dự án trong tháng 3 tại Hậu Giang và Bình Phước. Tỉ lệ giao dịch khá thành công, lên đến 85% trên tổng giỏ hàng công bố. Trong tháng 4, công ty tiếp tục giới thiệu ra thị trường những sản phẩm có vị trí tốt tại TP Đồng Xoài (Bình Phước) và dòng sản phẩm nhà phố xây sẵn tại TP Tân An (Long An).

Ông Đoàn Thanh Ngọc, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết trong tháng 3, DN đã mở bán một dự án căn hộ tại TP.HCM với số lượng hạn chế. Bất ngờ là lượng khách hàng quan tâm rất lớn.

“Với những chính sách tháo gỡ gần đây của Chính phủ, nhà đầu tư đã từ từ trở lại với tâm lý an tâm hơn. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian nên lúc này các DN chỉ đưa ra thị trường số lượng sản phẩm phù hợp, tập trung vào phân khúc phục vụ nhu cầu ở thực” - ông Ngọc nói.

Đánh giá về thị trường những tháng đầu năm, ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Việt Nam, cho biết các dự án mở bán thường là giai đoạn tiếp theo của dự án cũ.

Một dự án nhà phố tại Long An được mở bán trong quý I-2023. Ảnh: Q.HUY

Một dự án nhà phố tại Long An được mở bán trong quý I-2023. Ảnh: Q.HUY

“Cạnh đó, có những dự án đã triển khai thủ tục rồi nhưng chủ đầu tư ghim hàng lại do thời gian qua thị trường đóng băng. Bây giờ kinh tế ổn định hơn, BĐS được bơm vốn, lãi suất được điều chỉnh hạ dần… nên họ bung hàng. Trong đó cũng có những chủ đầu tư cần xoay vòng vốn nên buộc phải bán hàng dù mức giá thấp hơn kỳ vọng” - ông Bảo thông tin.

Ngoài ra, có chủ đầu tư muốn thăm dò thị trường nên chỉ mở bán khoảng 10% sản phẩm để kích cầu. Trong khi đó, những dự án lớn, chủ đầu tư gặp khó khăn về áp lực trái phiếu thì hầu như chưa thể mở bán trở lại.

Thị trường cần thời gian phục hồi

Ông Nguyễn Quốc Bảo đánh giá khi lãi suất tiền gửi hạ, giá BĐS đã chạm đáy và bắt đầu tăng trở lại thì nhà đầu tư sẽ tự chuyển hướng đi. Việc có giao dịch bán trở lại sẽ kích thích nhà đầu tư từ từ trở lại với BĐS. Từ đó kéo theo các ngành nghề khác phục hồi tốt hơn như xây dựng, nội thất, vật liệu xây dựng…

Ông Bảo nhận định phải đến quý II hoặc quý III-2024 thị trường mới phục hồi hoàn toàn. Lý do là những chính sách về tháo gỡ vướng mắc cho thị trường hay các gói tín dụng cần có độ trễ, thời gian triển khai thực hiện trong thực tế.

“Bên cạnh đó, nền kinh tế nước ta cũng phải chờ tình hình chính trị, kinh tế thế giới ổn định, trong nước thì phải chờ các luật đang được góp ý, sửa đổi được ban hành” - ông Bảo nói.

Ông LÊ TIẾN VŨ, Phó Tổng giám đốc Cát Tường Group

Ông LÊ TIẾN VŨ, Phó Tổng giám đốc Cát Tường Group

Đồng tình, ông Lê Tiến Vũ, Phó Tổng giám đốc Cát Tường Group, cho rằng do tác động của các chính sách bao giờ cũng có độ trễ nên niềm tin của khách hàng vào thị trường vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, đặc biệt là với các dự án hình thành trong tương lai.

“Đây được xem là giai đoạn lửa thử vàng của các DN địa ốc. Bên cạnh những DN gặp khó và đang chờ cơ hội chuyển mình khi dòng vốn tín dụng được khơi thông thì những DN uy tín, sở hữu tiềm lực tài chính mạnh, quỹ đất sạch lớn, nhạy bén, linh hoạt với thị trường sẽ khẳng định vị thế, hút trọn dòng tiền nhàn rỗi trong giai đoạn này” - ông Vũ phân tích.

Nguồn cung quý I chủ yếu hàng tồn kho

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam, nguồn cung ra thị trường quý I-2023 đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. Tỉ lệ hấp thụ chỉ đạt khoảng 11%, tương đương hơn 2.700 giao dịch, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá BĐS, đặc biệt là sản phẩm đất nền ở những khu vực từng xảy ra sốt đất tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư vào sản phẩm và hạ tầng khu vực. Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, đặc biệt có sử dụng chương trình ưu đãi lãi suất, ân hạn nợ gốc giai đoạn 2018-2022 của các chủ đầu tư buộc phải cắt lỗ 10%-30%, thậm chí lên đến 30%-50% giá trị đầu tư. Những người thế chấp BĐS để vay tiền ngân hàng không có khả năng nộp bổ sung tiền, tài sản đảm bảo bị ngân hàng phát mại để thu hồi nợ càng tạo áp lực về thanh khoản cho thị trường.

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/ra-hang-it-nha-pho-don-dau-hieu-khoi-sac-post728688.html