Ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn: Đừng để lo nhiều hơn mừng!-Bài 2: Cuộc sống vất vả, nay càng thêm khó
Không chỉ có học sinh bị ảnh hưởng sau khi các thôn, xã ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK) mà còn xuất hiện nhiều bất cập khác, như: Công chức, giáo viên không còn các khoản trợ cấp hay phụ cấp thu hút cho vùng ĐBKK, khiến đời sống của nhiều người vốn đã vất vả nay càng thêm khó; người dân cũng không còn được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) trong khi nhiều hộ gia đình vẫn còn rất khó khăn, rất cần được hỗ trợ...
Mơ ước về thời... đặc biệt khó khăn
Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4-6-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, II, I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 612/QĐ-UBDT, ngày 16-9-2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách các thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực, xã Tân Phúc (huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa) không còn là xã ĐBKK.
Điều này đồng nghĩa các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với viên chức công tác ở vùng ĐBKK của cô giáo Lương Thị Thảo, Trường Mầm non Tân Phúc không còn. Mẹ đơn thân nuôi 2 con nhỏ, mức tiền lương hơn 4 triệu đồng/tháng chẳng thể đáp ứng nhu cầu cuộc sống, thế nên năm học 2022-2023, cô đã viết đơn xin thôi việc để đi xuất khẩu lao động. Theo số liệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lang Chánh, chỉ riêng năm học 2022-2023, trên địa bàn huyện đã có 9 giáo viên và 5 nhân viên xin thôi việc.
Ở huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa), giai đoạn 2016-2020, toàn bộ số xã trên địa bàn đều thuộc vùng ĐBKK. Giai đoạn 2021-2025, huyện chỉ còn 2 xã (Na Mèo, Sơn Thủy) và 9 bản ĐBKK, do đó nhiều giáo viên, nhân viên ở các trường học không còn được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong khi cuộc sống, điều kiện làm việc không khác trước là bao.
Đồng chí Lê Hồng Quang, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết: “Tháng 1-2023, huyện Quan Sơn tổ chức tuyển dụng 45 chỉ tiêu giáo viên tiểu học, nhưng kết quả chỉ tuyển được 15 giáo viên. Nguyên nhân là do không đủ hồ sơ dự tuyển. Trong khi đó, năm 2022, trên địa bàn có 15 giáo viên ở cả 3 cấp học xin chuyển công tác ra khỏi huyện. Tình trạng này vẫn đang diễn ra, gây khó khăn cho huyện trong công tác bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường học”.
Câu chuyện 15 cô giáo Trường Mầm non Sơn Hà (huyện Quan Sơn) bỗng nhiên hằng tháng bị “âm” tiền lương khiến nhiều người trăn trở. Trước đây, khi xã Sơn Hà còn là xã ĐBKK, thu nhập của các cô giáo khoảng 10 triệu đồng/tháng. Dựa vào mức thu nhập, ngân hàng đã xét cho các cô được vay tiêu dùng đến 200 triệu đồng, khi lương về tài khoản, ngân hàng sẽ tự trừ cả gốc và lãi khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi xã không còn ĐBKK, thu nhập của các cô bị giảm chỉ còn khoảng 6 triệu đồng/tháng, không đủ trả gốc và lãi ngân hàng.
Cô giáo Ngân Thị Nga chia sẻ: “Tôi vay tiền ngân hàng để sửa nhà, hiện nay, tiền lương hằng tháng của tôi không đủ để trả nợ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Tôi và các cô giáo trong trường nói vui với nhau phải mơ về thời ĐBKK để có đủ lương trả ngân hàng...!!!”.
Các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học, THCS Cao Minh (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) cũng bị cắt giảm các chế độ thu hút do địa phương này được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020. Cô giáo Bế Thị Thủy chia sẻ: “Dù là xã nông thôn mới nhưng Cao Minh vẫn rất khó khăn, cơ sở vật chất phục vụ dạy học cũng như bảo đảm cuộc sống cho người dân còn thiếu nhiều. Các chế độ hỗ trợ, động viên bị cắt đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của giáo viên từ vùng khác chuyển về”.
Mặc dù chính sách thu hút, hỗ trợ không phải là yếu tố chính để cán bộ, công chức, viên chức đến công tác ở vùng ĐBKK, nhưng đó là động lực không nhỏ để họ yên tâm công tác. Khi mà trên danh nghĩa, thôn, xã đã "thoát" ĐBKK nhưng thực tế cuộc sống còn rất nhiều vất vả, không còn được hưởng các chế độ ưu đãi này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực bởi vừa không giữ chân được cán bộ, công chức, vừa khó khăn trong việc tuyển dụng mới như các ví dụ đã nêu ở trên.
Hộ cận nghèo nói không với... bảo hiểm y tế
Người dân sinh sống ở vùng ĐBKK được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT. Ra khỏi danh sách ĐBKK, sẽ chuyển sang nhóm được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng (người thuộc hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ 70%; học sinh, sinh viên được hỗ trợ 30%; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ 30%...).
Điều này đã khiến tỷ lệ bao phủ BHYT ở không ít địa phương ra khỏi diện ĐBKK giảm, ảnh hưởng đến quyền lợi khám, chữa bệnh của người dân. Riêng tại tỉnh Thanh Hóa, theo Bảo hiểm xã hội tỉnh, sau khi các xã ra khỏi danh sách vùng ĐBKK, tỉnh Thanh Hóa có hơn 345.180 người bị ảnh hưởng, không còn được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí tham gia BHYT. Vì vậy, ở nhiều huyện miền núi, tỷ lệ người tham gia BHYT đã sụt giảm. Điển hình như so với năm 2022, năm 2023 huyện Ngọc Lặc giảm 10.689 người; các huyện: Cẩm Thủy, Thạch Thành và Quan Sơn giảm tương ứng 8.120, 5.598 và 2.543 người...
Trong căn nhà nhỏ siêu vẹo tại bản Mìn, xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn, người thân của ông Lương Văn Chiên vẫn chưa hết lo lắng sau trận ốm thập tử nhất sinh của ông Chiên. Vừa qua, ông Chiên bị đau ruột thừa, cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, được chỉ định mổ cấp cứu. Nhà nghèo, lại không có BHYT, các con của ông Chiên phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi 30 triệu đồng để mổ cho bố.
Ông Chiên cho biết: “Năm 2020, xã không còn thuộc diện ĐBKK, đến năm 2021 gia đình tôi thoát nghèo, thành hộ cận nghèo. Nếu tham gia BHYT, vợ chồng tôi và các thành viên trong gia đình phải nộp 30% mức đóng BHYT. Cả gia đình với 6 người lớn, tổng số tiền mua BHYT là gần 1,5 triệu đồng/năm. Quả thật, với gia đình tôi đây là một số tiền lớn, bởi vậy tôi đành "chia tay" với chiếc thẻ BHYT mà mình đã được hỗ trợ nhiều năm trước”.
Cũng như gia đình ông Lương Văn Chiên, gia đình ông Lương Văn Hội ở bản Hạ, xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn cũng là hộ cận nghèo và không thể tham gia BHYT. Vợ chồng ông Hội hiếm muộn không có con nên nhận nuôi con nuôi năm nay mới 18 tuổi. Thu nhập của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng nên rất khó khăn. “Từ khi không được Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT, gia đình tôi không mua BHYT nữa. Tôi đã được cán bộ thôn, xã, nhân viên bưu điện đến tuyên truyền, vận động và cũng muốn tham gia BHYT nhưng do điều kiện khó khăn nên đành thôi”, ông Lương Văn Hội bày tỏ.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lương Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Mường Mìn cho biết: “Dù đã thoát khỏi xã ĐBKK nhưng hiện nay Mường Mìn vẫn còn gần 28,5% hộ nghèo và 40,7% hộ cận nghèo. Đời sống người dân phụ thuộc chủ yếu vào lâm nghiệp nên còn nhiều khó khăn, vất vả. Không được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT, gần như các hộ cận nghèo đều “nói không” với BHYT. Không có thẻ BHYT, khi không may bị bệnh phải đến bệnh viện sẽ tạo gánh nặng chi phí lớn nên nguy cơ tái nghèo rất cao”.
(còn nữa)