Ra mắt bộ sách 'Nhật ký thời chiến Việt Nam'
Đây là lần đầu tiên, những tác phẩm 'Nhật ký thời chiến Việt Nam' hay nhất, nổi tiếng nhất một thời cùng đứng chung trong một bộ sách.
Nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020), Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” và Câu lạc bộ “Trái tim người lính” xuất bản bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” của nhiều tác giả.
Bộ sách này do nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên, gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang.
Nhà văn, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng cho biết ông được Hội đồng Quản lý Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" giao trách nhiệm tổ chức sưu tầm và biên soạn bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam”, phải mất 16 năm (2004 - 2020) ông và các cộng sự mới hoàn thành công trình tâm huyết này.
Đây là lần đầu tiên, những tác phẩm “Nhật ký thời chiến Việt Nam” hay nhất, nổi tiếng nhất một thời cùng đứng chung trong một bộ sách với 30 tác phẩm của 30 tác giả.
Không chỉ có nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” mà còn có hàng chục cuốn nhật ký đầy máu lửa chiến trường khác như “Gửi lại mai sau” của Nguyễn Hải Trường (tức liệt sỹ Công an nhân dân vũ trang Nguyễn Minh Sơn), những trang viết của các văn nghệ sỹ nổi tiếng: “Nhật ký chiến tranh” của anh hùng, nhà văn, liệt sỹ Chu Cẩm Phong; “Nhật ký chiến trường" của liệt sỹ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý; “Những ngày trong vòng vây” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh; “Nhật ký vượt Trường Sơn” của tiến sỹ Phạm Quang Nghị; “Nhật ký Bê trọc” của nhà văn, tiến sỹ Phạm Việt Long và “Nhật ký đi B” của cố nhà văn Triệu Bôn...
Bên cạnh đó, bạn đọc sẽ được tiếp cận những trang viết hiếm hoi, đầy chất văn hóa tâm linh trong nhật ký “Trở về trong giấc mơ” của liệt sỹ Trần Minh Tiến - cầu thủ bóng đá đẹp trai, có mối tình đẹp với cô văn công xung kích xứ Hà Đông xưa; hoặc nhật ký “Tài hoa ra trận” đầy chất văn chương lãng mạn của liệt sỹ Hoàng Thượng Lân - chàng họa sỹ hào hoa (bạn cùng lứa của 2 người nổi tiếng là họa sỹ Thành Chương và họa sỹ Lê Trí Dũng)…
Trung tướng, tiến sỹ khoa học quân sự, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng (nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng - Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4), Chủ tịch Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” đánh giá đây là công trình có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem bộ sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam" như một tượng đài di sản phi vật thể mà các anh hùng - liệt sỹ, cựu chiến binh đã để lại dấu ấn tâm hồn mình cho thế hệ sau.
Đánh giá về bộ sách này, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi khẳng định không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn là những trang nhật ký của chính những người lính. Bởi họ viết những trang nhật ký này ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất khi biết rằng sau đó họ có thể mãi mãi không thể trở về với gia đình, quê hương họ. Họ viết trong bom đạn, chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do và sự dâng hiến trọn vẹn của họ cho Tổ quốc...