Ra mắt bộ sách tranh 'Trường Sa! Biển ấy là của mình'

Ngày 26-2, tại Đường sách TPHCM đã diễn ra chương trình giao lưu ra mắt bộ sách tranh Trường Sa! Biển ấy là của mình của nhà văn Bùi Tiểu Quyên. Bộ sách giúp các em nhỏ có thể hình dung phần nào cuộc sống ở Trường Sa, từ đó thêm yêu đất nước mình.

Bộ sách tranh Trường Sa! Biển ấy là của mình gồm 2 tập: Phong ba nơi đầu sóngBiển ấy là của mình được Lionbooks liên kết với NXB Hà Nội thực hiện và ra mắt bạn đọc vào những ngày đầu năm 2023. Theo chị Nguyễn Thị Chiều Xuân, Giám đốc Lionbooks, đây là bộ sách tiếp theo thuộc series “Em yêu Việt Nam mình” - dòng sách tôn vinh con người, thiên nhiên và các giá trị Việt.

Bộ sách được kể dưới góc nhìn của một bạn cún nhỏ có tên là Phong Ba - theo tên của loài cây đặc trưng ở Trường Sa. Chú cún nhỏ lạc quan, yêu đời và vô cùng tò mò về nơi mình sinh ra, chú cũng là một chú cún nghịch ngợm, thích khám phá mọi ngóc ngách trên đảo.

Xuyên suốt 2 tập, cún Phong Ba dần trưởng thành hơn và không ngừng tìm hiểu về nơi mình sinh sống: Từ thiên nhiên, con người đến lịch sử của cả quần đảo. Qua lăng kính của Phong Ba, qua lời dạy của bác Phi Lao, các bạn nhỏ sẽ cảm nhận được một thông điệp giản dị, sâu sắc về tinh thần sống lạc quan và sự kiêu hãnh, tự hào về quê hương biển đảo của mình.

Từ phải qua: Nhà văn Bùi Tiểu Quyên, họa sĩ Thanh Phan và chị Nguyễn Thị Chiều Xuân

Từ phải qua: Nhà văn Bùi Tiểu Quyên, họa sĩ Thanh Phan và chị Nguyễn Thị Chiều Xuân

Chia sẻ về lý do sáng tác bộ sách tranh Trường Sa! Biển ấy là của mình, nhà văn Bùi Tiểu Quyên cho biết, lúc viết Cà Nóng chu du Trường Sa (dành cho bạn đọc từ 11 tuổi trở lên), chị đã nghĩ, không biết các bạn dưới 11 tuổi thì có gì để đọc. Tại thời điểm đó, chị đã mong có thể tiếp tục kể một câu chuyện về Trường Sa cho các em nhỏ tuổi hơn, được thể hiện thông qua hình thức sách tranh. “Rất may, thời điểm đó, tôi có duyên may gặp chị Chiều Xuân và được đặt viết lời cho bộ sách về Trường Sa. Điều này đến y như những gì mà mình đang mong muốn có một cơ hội thực hiện cho các bé”, nhà văn Bùi Tiểu Quyên nhớ lại.

Phụ huynh dẫn con xem những hình ảnh về Trường Sa tại Đường sách TPHCM tại chương trình ra mắt sách

Phụ huynh dẫn con xem những hình ảnh về Trường Sa tại Đường sách TPHCM tại chương trình ra mắt sách

Vào tháng 4-2019, nhà văn Bùi Tiểu Quyên có cơ hội cùng đoàn đại biểu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đi thăm quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Nhắc lại chuyến đi này, và đặc biệt khi nhớ về cuộc sống của các chiến sĩ và nhân dân trên đảo vẫn còn khiến chị xúc động.

“Ở đảo, mùa nắng thì khắc nghiệt, còn mùa bão thì phải chịu những cơn bão mà thật khó tưởng tượng. Tuy nhiên, con người và đất nước của chúng ta đã thật kiên cường hàng trăm năm. Tôi nghĩ, mình là người có cơ hội đến với nơi đầu sóng thì có một phần trách nhiệm nào đó, kể cho các bé, những bạn đọc ở đất liền chưa có cơ hội đi Trường Sa có thể hình dung được phần nào. Thông qua đó sẽ biết yêu thương Tổ quốc mình, có tình yêu lớn trong tim thì chúng ta sẽ làm được nhiều điều lớn lao hơn nữa”, chị bày tỏ.

Bộ sách "Trường Sa! Biển ấy là của mình" gồm 2 tập, được thực hiện theo hình thức song ngữ Việt - Anh

Bộ sách "Trường Sa! Biển ấy là của mình" gồm 2 tập, được thực hiện theo hình thức song ngữ Việt - Anh

Với mong muốn có thể mang bộ sách Trường Sa! Biển ấy là của mình đi thật xa, để các bạn nhỏ chưa thực sự sõi tiếng Việt có thể hiểu rõ nội dung, tinh thần của cuốn sách - từ đó khơi dậy tình yêu với đất nước, đặc biệt với quần đảo Trường Sa, bộ sách đã được thực hiện dưới dạng song ngữ Việt - Anh. Đặc biệt, các em nhỏ không chỉ đọc sách mà còn được trải nghiệm cuộc sống nơi đây thông qua tranh vẽ tả thực của họa sĩ Thanh Phan, một nữ họa sĩ thuộc thế hệ 9X.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên đọc sách cho các em nhỏ

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên đọc sách cho các em nhỏ

Theo chia sẻ của Thanh Phan, khi nhận được bản thảo bộ sách Trường Sa! Biển ấy là của mình từ Ban biên tập, cảm giác đầu tiên tiên của chị là háo hức xen lẫn lo lắng. Bởi đây là một trong những đề tài mà chị rất muốn vẽ từ lâu nhưng rất khó để có thể thực hiện.

Nói về khó khăn lớn nhất khi thực hiện hình vẽ cho bộ sách này, họa sĩ Thanh Phan cho biết: “Vì tôi chưa có cơ hội được đến với Trường Sa nên chỉ có thể tiếp cận những thông tin, hình ảnh về Trường Sa thông qua những bài báo, hình ảnh do nhà văn Bùi Tiểu Quyên viết và cung cấp hay những hình ảnh trên mạng. Đây là đề tài khó nhưng cũng cho tôi vinh dự khi được tạo ra một bộ sách ấn tượng như vậy”.

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ra-mat-bo-sach-tranh-truong-sa-bien-ay-la-cua-minh-post680123.html