Ra mắt các nền tảng số trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa

Trong khuôn khổ Đề án Chính phủ 'Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa', chương trình 'Kết nối triệu con tim', chiến dịch thiện nguyện trên nền tảng số iNhandao và các nền tảng số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa…đã chính thức được triển khai.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu bấm nút ra mắt nền tảng số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa. (Ảnh: TL)

Ngày 1/10, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị tham gia Đề án tổ chức Chương trình “Kết nối triệu con tim” phát động Chiến dịch thiện nguyện trên nền tảng số iNhandao và ra mắt các nền tảng số trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và phát biểu tại buổi lễ.

Được triển khai từ năm 2018, đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” xác định mục tiêu xây dựng nền tảng dữ liệu và phổ biến tri thức trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, tạo điều kiện để cộng đồng tham gia đóng góp, chia sẻ và khai thác, tạo ra các ứng dụng số phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống. Đến nay sau một thời gian triển khai, Đề án đã có sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, viện, trường và doanh nghiệp.

Đề án đã xây dựng được nền tảng số trong các lĩnh vực nhân đạo, giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch, bưu chính… cho phép kết nối cộng đồng, chia sẻ dữ liệu, cùng chung tay triển khai các hoạt động vì lợi ích của toàn xã hội, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số ở Việt Nam. Trong năm 2019, hai nền tảng số đầu tiên là nền tảng nhân đạo số (iNhandao) và Bản đồ số Vmap đã ra mắt được cộng đồng đón nhận và từng bước ứng dụng trong thực tiễn.

Tại chương trình này, thông qua nền tảng nhân đạo số (iNhandao.vn), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp cùng với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức phát động chiến dịch “Kết nối tương lai” quyên góp máy tính bảng và điện thoại thông minh cũ còn sử dụng được để giúp đỡ cho các em học sinh miền núi 2 tỉnh Phú Thọ và Yên Bái.

Chiến dịch kéo dài trong 3 tháng (từ 1/10-31/12/2020). Theo đó, mọi tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ có thể chuyển tặng phẩm là những điện thoại thông minh, máy tính bảng đã qua sử dụng, sản xuất từ năm 2017 đến nay, còn sử dụng tốt đến các bưu cục của Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) nơi gần nhất. Thiết bị sẽ được kiểm tra kỹ thuật, làm sạch, và bàn giao đến thầy, cô, các em học sinh.

Đồng thời, với thông điệp “Kết nối triệu con tim”, giai đoạn 2 của nền tảng nhân đạo số kêu gọi các nhà quản lý, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào nền tảng nhân đạo số (iNhandao.vn) để cùng chung tay, góp sức sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn, đóng góp nguồn lực dưới mọi hình thức, giúp đất nước vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, góp phần lan tỏa những giá trị nhân đạo tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Để giới thiệu địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp và tham gia trợ giúp, mỗi cá nhân có thể truy cập vào địa chỉ: http://inhandao.vn và thực hiện các bước theo hướng dẫn.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ niềm vui và xúc động khi nền tảng Nhân đạo số chính thức đi vào hoạt động. Phó Thủ tướng cho rằng, dự án đã vượt qua mong muốn ban đầu của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Dự án hiện không chỉ cung cấp các địa chỉ cần sự trợ giúp của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, mà còn kêu gọi cộng đồng, các nhóm thiện nguyện cùng tham gia trên nền tảng số; kêu gọi mọi sự ủng hộ về tiền, hiện vật và công sức, thời gian để cùng tham gia công tác nhân đạo trên tinh thần sẻ chia, công khai, minh bạch. Người cho và người nhận được kết nối với nhau và biết được kết quả của hỗ trợ.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn, tinh thần nhân đạo, kết nối triệu trái tim sẽ ngày càng được lan tỏa để những nền tảng số mới “nảy mầm” sẽ đạt thành công như nền tảng số iNhandao. Phó Thủ tướng khẳng định, Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” là của tất cả mọi người dân Việt Nam chứ không của riêng ai. Đề án chỉ có thể thành công nếu tất cả mọi người cùng tham gia hành động...

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, trong thời đại công nghệ số 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối toàn xã hội là rất cần thiết trong hoạt động nhân đạo, từ thiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo, an sinh xã hội của đất nước. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy sự ra đời của hệ thống nhân đạo số iNhandao.

Hệ thống được xây dựng trên nền tảng mạng xã hội với số lượng hàng triệu người tham gia, qua đó giới thiệu và khuyến khích người dùng chia sẻ, cập nhật thông tin địa chỉ nhân đạo, các chiến dịch nhân đạo ở mọi nơi, mọi lúc.

Nhân dịp này, trong khuôn khổ Đề án Chính phủ “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa”và chương trình "Kết nối triệu con tim", các đơn vị tham gia đã ký kết và ra mắt 3 nền tảng mới gồm: Bản đồ chung sống an toàn COVID-19 (antoancovid.vn); Nền tảng giáo dục số (iGiaoduc.vn); Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam (bktt.vn)./.

Theo ĐCSVN

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ra-mat-cac-nen-tang-so-trong-linh-vuc-giao-duc-y-te-van-hoa-34378