Ra mắt cuốn sách 'Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư' phiên bản tiếng Việt
Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) diễn ra từ 11-13/9 tại Hà Nội, sáng 11/9, buổi họp báo ra mắt cuốn sách 'Cách mạng công nghiệp lần thứ tư' phiên bản tiếng Việt đã diễn ra với hai diễn giả là Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập, Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban tổ chức WEF ASEAN 2018 Bùi Thanh Sơn.
Bày tỏ vui mừng được quay trở lại Việt Nam lần này, 20 năm qua, WEF đã có mối quan hệ rất tốt đẹp với Việt Nam. Giáo sư nhìn thấy Việt Nam có một tiềm năng tuyệt vời, cơ hội phát triển kinh tế tốt đẹp.
Giáo sư cho biết, mục tiêu xuất bản cuốn sách này với phiên bản tiếng Việt đúng vào dịp Hội nghị WEF ASEAN 2018 nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng đối với tầm quan trọng của CMCN 4.0, giúp hiểu rõ hơn về cuộc cách mạng này, đồng thời đảm bảo chúng ta sẽ đưa ra được những chính sách, tạo ra được tinh thần doanh nhân để nắm bắt được cơ hội mà cuộc cách mạng này mang lại, không coi đây là một đe dọa mà là một cơ hội không chỉ cho Việt Nam mà toàn bộ khu vực để trở thành một khu vực có tính cạnh tranh cao nhất trong tương lai.
Buổi họp báo giới thiệu sách sáng 11/9. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Cuốn sách đã được dịch sang 29 ngôn ngữ, xuất bản tại nhiều quốc gia với số lượng phát hành trên 1 triệu cuốn. Dành cuốn sách này cho người dân Việt Nam, Giáo sư bày tỏ hy vọng đây sẽ là chất xúc tác, động lực để biến Việt Nam trở thành một thế lực mới trong cuộc CMCN 4.0.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, người trực tiếp chỉ đạo công tác dịch sang tiếng Việt của cuốn sách này đã gửi lời cảm ơn tới Giáo sư Klaus Schwab. Thứ trưởng nhấn mạnh, Giáo sư đã mô tả cách công nghệ thay đổi cách thức con người sinh sống làm việc và tương tác với nhau cũng như những thay đổi về quy mô. Cuốn sách chia sẻ với chúng về đại xu thế trước mắt chúng ta, những tư duy thay đổi đang diễn ra. Theo Thứ trưởng, cuốn sách rất có ý nghĩa với Việt Nam, giúp Việt Nam nắm bắt được cơ hội để đẩy nhanh hiện đại hóa công nghiệp hóa đất nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về sự chuẩn bị của Việt Nam cho WEF ASEAN lần này, Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh sự hợp tác tuyệt vời và hiệu quả giữa WEF và Việt Nam cho sự kiện với hơn 1.000 khách mời tham dự. Giáo sư Klaus Schwab đánh giá đây là hội nghị lớn nhất của WEF từng có ở các nước ASEAN, qua đó cho thấy rõ tiềm năng của Việt Nam. Ông Klaus Schwab nhận thức được sức mạnh của CMCN 4.0 để tạo ra cơ hội thành công, tinh thần doanh nhân và hệ sinh thái doanh nhân. Trong CMCN 4.0, nhiều ngành nghề sẽ bị mất đi, vì vậy, Giáo sư Klaus Schwab cho rằng chúng ta không nên bi quan mà cần lạc quan về các công việc mới sẽ được tạo ra. Chính phủ cần hoạch định ra chính sách để chủ động trước những thách thức, chuẩn bị cho một thời gian chuyển đổi, thay đổi, trả lời cho câu hỏi làm thế nào để sản xuất, tiêu dùng và giải trí.
Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh CMCN 4.0 là một quá trình lâu dài và không thể thấy kết quả ngay trong ngắn hạn và gắn liền với nhu cầu giáo dục để đảm bảo con người, đặc biệt là giới trẻ thích ứng nhanh với công nghệ. “Chúng ta không nên kỳ vọng rằng CMCN 4.0 là bật một công tắc mà đòi hỏi phải có một chính sách dài hạn”, Giáo sư nhấn mạnh.
Trước những thách thức đặt ra với người dân, đặc biệt là phụ nữ trong CMCN 4.0, Giáo sư Klaus Schwab chia sẻ, chúng ta cần phải đảm bảo trong dài hạn, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở cả các quốc gia khác là con người luôn ở trung tâm cuộc cách mạng. WEF đã thành lập một bộ phận đặc biệt, đặt tại San Francisco để đảm bảo WEF làm việc mức độ toàn cầu, hướng tới con người để con người không trở thành nô lệ của robot mà biến robot phục vụ con người. “CMCN 4.0 đưa loài người lên tầm cao mới nhưng không có nghĩa biến thế giới trở nên kỹ thuật hơn, có thể lập trình mà tọa ra một thế giới nhân bản hơn”, Giáo sư khẳng định. Quốc gia nào làm chủ được CMCN 4.0, có sự độc quyền về trí tuệ nhân tạo sẽ có ưu thế cạnh tranh và đóng vai trò quan trọng.
Nhà kinh tế nổi tiếng thế giới Klaus Schwab, Người sáng lập và Chủ tịch Điều hành Din đàn Kinh tế Thế giới, giải thích rằng chúng ta đang có cơ hội định hình cách mạng công nghiệp lần thứ tư, một quá trình sẽ thay đổi căn bàn cách chúngta sóng và làm việc. Ông lập luận rằng cuộc cách mạng này hoàn toàn khác biệt về tầm vóc, quy mô lẫn độ phức tạp so với bất kỳ cuộc cách mạng nào trước đây. Với đặc trưng là một loạt công nghệ mới hòa trộn thế giới vật chất, thế giới số và thế giới sinh học, những bước phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ảnh hưởng đến mọi quy tắc, mọi nền kinh tế, mọi ngành nghề và chính phủ, thậm chí thách thức cả nội hàm của khái niệm “con người”.