Ra mắt hai cuốn sách truyền cảm hứng tích cực của Phan Đăng

Sáng 21/9, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp diễn giả - nhà báo Phan Đăng tổ chức Lễ ra mắt hai cuốn sách: '39 câu chuyện cho tâm an' và 'Tôi ngỡ tôi là người'.

Bộ tác phẩm vừa được ra mắt của diễn giả - nhà báo Phan Đăng.

Bộ tác phẩm vừa được ra mắt của diễn giả - nhà báo Phan Đăng.

Đây là lần đầu tiên nhà báo - diễn giả Phan Đăng ra mắt cùng lúc hai cuốn sách và anh cũng là một trong những tác giả có nhiều sách truyền cảm hứng cho bạn đọc đa dạng về lứa tuổi, tầng lớp trong xã hội.

Hai cuốn sách đều được Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành. Thời gian gần đây, đơn vị này liên tục cho ra mắt những tác phẩm chất lượng, thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và bạn đọc. Đặc biệt, không gian Phòng Nghệ thuật của Nhà Xuất bản đã được đầu tư, thiết kế đầy tính thẩm mỹ, trở thành nơi hội tụ, giao lưu, chia sẻ văn học nghệ thuật được công chúng yêu mến.

Diễn giả - nhà báo Phan Đăng.

Diễn giả - nhà báo Phan Đăng.

Như thông lệ ra mắt các tác phẩm trước đó, diễn giả Phan Đăng mở đầu buổi ra mắt sách với một phần thiền ngắn chừng 3 phút dành cho tất cả khách mời tham dự. Qua cách gợi mở nhẹ nhàng, điềm tĩnh, tác giả giúp mọi người có được sự tĩnh lặng, mở tâm trí và cảm xúc của mình ra, đón nhận những câu chuyện trong cuộc sống muôn màu.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - dành nhiều lời khen cho tác phẩm của Phan Đăng.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - dành nhiều lời khen cho tác phẩm của Phan Đăng.

Nhà báo Phan Đăng (sinh năm 1984), được biết đến là một bình luận viên thể thao và quen mặt với khán giả truyền hình khi dẫn chương trình Ai là triệu phú. Đồng thời, anh cũng là tác giả của nhiều cuốn sách: Ơ kìa, làng bóng trong mắt tôi, Trong đầu trí thức, 39 câu hỏi cho người trẻ, 39 cuộc đối thoại cho người trẻ, 39 đoản thiền để thấy... Một vài năm trở lại đây, anh quyết định lựa chọn bước ngoặt lớn đó là kiếm tìm con đường mới, sống đầy hứng khởi, trọn vẹn với hành trình trải nghiệm của mình.

Phan Đăng chia sẻ, cách đây 8, 9 năm, khi anh bệnh nặng và nằm điều trị trong bệnh viện, anh đã thực hành thiền và nhận ra những tổn thương bên trong mình được xoa dịu. Và anh cũng hiểu được rằng, mình nên cảm nhận về thực tế cuộc sống bên ngoài bằng tất cả những suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác của mình, thay vì “thấy” qua những cảm nhận và triết lý của người khác.

Trong "39 câu chuyện cho tâm an", Phan Đăng ghi lại những "nông nỗi" mà ai trong hình hài của kiếp người đều phải đối diện, nhìn thấu và nảy sinh mưu cầu được hàn gắn, giải thoát.

Với vai trò là người dẫn dắt những sự thật, tác giả không ngại bóc trần những góc tối trong ý nghĩ, bản năng và lòng tham của con người. 39 câu chuyện là những câu chuyện cuộc đời mang tinh thần Phật giáo đầy sự thấu cảm, chiêm nghiệm.

Sự kiện thu hút đông đảo công chúng yêu văn chương.

Sự kiện thu hút đông đảo công chúng yêu văn chương.

Nhiều câu trả lời đã được tìm thấy trong một loạt những lát cắt, có khi nghĩ vụn nhưng lại là ý niệm và sự khai mở. Tất cả, chạm tới nơi hỗn mang nhất của mỗi người để rồi khi đã được khai mở thì đều biết nhìn nhận và đối diện. Thí dụ: Có ai sống thay ai được không? Câu hỏi đó, chúng ta nên ngừng hỏi và đừng trì hoãn thêm việc tìm thấy sự "an" ổn cho những gì đang xảy ra bên trong, nơi không ai thấy rõ ngoài chính mình.

Theo đánh giá từ giới chuyên môn, tác phẩm của Phan Đăng phù hợp với đa dạng bạn đọc.

Theo đánh giá từ giới chuyên môn, tác phẩm của Phan Đăng phù hợp với đa dạng bạn đọc.

Chúng ta từng để ai đó sống thay, để chính mình bị chi phối, trở thành một "cái xác" lệ thuộc về hành vi, cảm xúc? Bạn từng lâm vào ngõ cụt, sống trong tang thương, ủy khuất, hoang tưởng... nghĩ không còn cánh cửa nào trong cái mớ bòng bong đầy bi ái, khổ não? Không sao cả! Dù rối, dù đau, dù bạc nhược tới đâu, tất cả đều phải trút bỏ, tự hồi sinh bằng chính nội lực và ánh sáng ở bên trong của mỗi người.

Đó không đơn thuần là những cuốn sách, mà còn là con đường của một người đi tìm chính mình để xác thực mình và xác lập mình trong cái thế giới của chính cá nhân mình. Đấy là con đường khó nhất và cũng chính là con đường duy nhất để tìm thấy ý nghĩa đích thực của đời sống.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

"Tôi ngỡ tôi là người" là tập thơ đầu tay của Phan Đăng ghi dấu những suy nghĩ của tác giả về "hiện tượng con người", qua đó bộc bạch những gì đang ẩn trú bên trong, chưa được gọi tên đầy đủ.

Theo tác giả, bản thể (người) đó cũng chỉ là một khái niệm và nếu đã là khái niệm, là một đối tượng, một hình thức tư duy có bản chất, có thuộc tính chung... thì sao phải cầm nắm, chấp niệm mà không học cách buông chính cái "khái niệm" mà ta đã từng "đóng chết mình... luôn tô vẽ, tự hào..."

Ai đã từng thấy một nhà báo, một diễn giả Phan Đăng với tính thời sự, triết luận "găm" đầy người thì với tập thơ này, tất cả sẽ có cái nhìn khác. Cái nhìn dành cho một thi nhân bởi những ưu tư, cái hiên ngang của kẻ sĩ, cái triết huệ của một người tu hành, cái điên của một người chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ "điên"...

Nhà báo Phan Đăng ký sách cho bạn đọc.

Nhà báo Phan Đăng ký sách cho bạn đọc.

Tập thơ đánh dấu bước chuyển trong hành trình viết sách đầy ngã rẽ của tác giả Phan Đăng. Một bước chuyển lớn, bắt đầu giai đoạn sáng tác, để cái tôi lên tiếng và chuyển tải tư tưởng bằng ngôn ngữ của văn chương.

Tác giả dụng ý cuốn sách được phát hành dưới hình thức bộ đôi với mong muốn độc giả sẽ nhận được được trọn vẹn nguồn năng lượng, sự tái tạo bên trong từng câu chữ. Cái chúng ta biết sẽ trở nên rời rạc, không đủ để hướng vào bên trong và hiểu về một tác giả trong giai đoạn viết rất mới này.

Ngoài các bản phổ thông, bộ sách này có thêm 300 bản đặc biệt bìa cứng phủ UV, ruột giấy mỹ thuật nhập khẩu chất lượng cao 150 GMS, in 4 màu và được đánh số từ 001-300 dành cho người sưu tầm và bạn đọc yêu thích các bản sách đẹp, được gia công đặc biệt.

MAI LỮ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ra-mat-hai-cuon-sach-truyen-cam-hung-tich-cuc-cua-phan-dang-post832303.html