Ra mắt khóa học trực tuyến 'Kiến thức cơ bản về trẻ em là người bị hại và người làm chứng trong tố tụng hình sự'

NDO - Chiều 15/8, Học viện Tư pháp tổ chức Lễ ra mắt Khóa học trực tuyến 'Kiến thức cơ bản về trẻ em là người bị hại và người làm chứng trong tố tụng hình sự'.

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam bàn giao học liệu trực tuyến cho bà Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp.

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam bàn giao học liệu trực tuyến cho bà Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp.

Dự Lễ ra mắt Khóa học có ông Ryan E.McKean – Giám đốc cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam; bà Lê Hồng Loan – Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam); bà Nguyễn Thanh Trúc – Chuyên gia bảo vệ trẻ em, UNICEF Việt Nam.

Ngoài ra còn có ông Trương Thế Côn – Tổng Biên tập Tạp chí Dân chủ và Pháp luật; bà Nguyễn Minh Hằng – Phó Giám đốc Học viện Tư pháp; đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Trung tâm trợ giúp pháp lý Thành phố Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Tòa án, Học viện Phụ nữ Việt Nam cùng các giảng viên, học viên...

Khóa học trực tuyến “Kiến thức cơ bản về trẻ em là người bị hại và người làm chứng trong tố tụng hình sự” do Học viện Tư pháp biên soạn trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tư pháp cho người chưa thành niên tại Việt Nam” giai đoạn 2022-2026, ký kết giữa UNICEF và Bộ Tư pháp, được sự tài trợ của Cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia thông qua Dự án Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp phát biểu khai mạc.

PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Giám đốc Học viện Tư pháp phát biểu khai mạc.

Khóa học trực tuyến “Kiến thức cơ bản về trẻ em là người bị hại và người làm chứng trong tố tụng hình sự” được xây dựng với mục tiêu giới thiệu cho học viên kiến thức về pháp luật quốc gia cũng như tiêu chuẩn quốc tế về giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến nạn nhân, nhân chứng là trẻ em theo cách thân thiện với đối tượng này.

Bà Lê Thị Kim Dung (Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố Hà Nội) cho rằng Khóa học rất hữu ích trong quá trình triển khai công việc.

Bà Lê Thị Kim Dung (Trung tâm trợ giúp pháp lý thành phố Hà Nội) cho rằng Khóa học rất hữu ích trong quá trình triển khai công việc.

Tham gia khóa học, người học được cung cấp kiến thức cơ bản về tư pháp thân thiện với trẻ em và có trách nhiệm giới, đồng thời hiểu được tại sao cần phải có một cách tiếp cận đặc biệt khi giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến trẻ em; những kiến thức về các nguyên tắc quốc tế và các biện pháp tố tụng phù hợp theo pháp luật Việt Nam để giải quyết các vụ án liên quan đến nạn nhân, nhân chứng là trẻ em ở tất cả các giai đoạn của quá trình tư pháp hình sự.

Bà Trịnh Thị Yến (Học viện Phụ nữ Việt Nam) chia sẻ, sau khi trải nghiệm chương trình của Khóa học đã hiểu rõ hơn về nhiều vấn đề còn vướng mắc trong công việc hàng ngày. Bà cũng mong muốn có nhiều khóa học chuyên sâu hơn, mở rộng hơn nữa để mang lại ý nghĩa thực tiễn cho xã hội.

Bà Trịnh Thị Yến (Học viện Phụ nữ Việt Nam) chia sẻ, sau khi trải nghiệm chương trình của Khóa học đã hiểu rõ hơn về nhiều vấn đề còn vướng mắc trong công việc hàng ngày. Bà cũng mong muốn có nhiều khóa học chuyên sâu hơn, mở rộng hơn nữa để mang lại ý nghĩa thực tiễn cho xã hội.

Khóa học trực tuyến này có thể được khai thác ở những mức độ khác nhau bởi các giảng viên và học viên của Học viện Tư pháp, các cơ sở đào tạo luật và đào tạo nghề luật khác, các cán bộ tư pháp, thi hành pháp luật ở cấp trung ương hay địa phương, cũng như bất cứ ai quan tâm đến chủ đề này.

Khóa học trực tuyến này gồm có 10 học phần gồm 9 học phần lý thuyết và 1 học phần kiểm tra cuối khóa. Ở học phần kiểm tra, người học phải cần làm một bài kiểm tra ngắn bằng cách trả lời bộ câu hỏi trắc nghiệm. Nếu trả lời đúng trên 80% số câu hỏi, người học sẽ được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành Khóa học trực tuyến. Người học có thể làm lại bài kiểm tra nhiều lần cho đến khi đạt được 80% số câu trả lời đúng.

Phát biểu khai mạc Lễ ra mắt Khóa học, PGS. TS. Nguyễn Minh Hằng mong nhận được các ý kiến góp ý để hoàn thiện hơn nữa hệ thống học liệu điện tử của Khóa học để ngày càng thu hút được đông đảo người học, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng về tư pháp người chưa thành niên từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư pháp người chưa thành niên đặc biệt trong bối cảnh Luật Tư pháp người chưa thành niên đang được xây dựng và dự kiến ban hành trong thời gian sắp tới.

Sự ra đời của khóa học trực tuyến “Kiến thức cơ bản về trẻ em là người bị hại và người làm chứng trong tố tụng hình sự” tiếp tục là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Học viện Tư pháp và UNICEF Việt Nam trong thời gian vừa qua, góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực về tư pháp người chưa thành niên cho giảng viên, học viên của Học viện đồng thời giúp Học viện Tư pháp thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống học liệu điện tử trong quá trình triển khai Quyết định 1155/QĐ-TTg ngày 30/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tiếp tục xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp”.

Ông Ryan E.McKean – Giám đốc cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt Khóa học.

Ông Ryan E.McKean – Giám đốc cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt Khóa học.

Ông Ryan E.McKean – Giám đốc cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam cảm ơn Học viện Tư pháp và UNICEF đã tổ chức biên soạn Khóa học trực tuyến “Kiến thức cơ bản về trẻ em là người bị hại và người làm chứng trong tố tụng hình sự” nhằm tạo điều kiện cho các giảng viên và học viên của Học viện Tư pháp và các cơ sở đào tạo pháp lý chuyên nghiệp khác, các cán bộ thực thi pháp luật và tư pháp về bảo vệ trẻ em có thể tự học về cách làm việc với trẻ em là nhân chứng, là nạn nhân.

Dự án hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức về trẻ em là nạn nhân và nhân chứng, tăng cường năng lực của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư trong quá trình làm việc với trẻ em là nạn nhân, là nhân chứng phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Ông hy vọng Khóa học trực tuyến này sẽ giúp hiểu rõ hơn cách tương tác, cách làm việc với trẻ em là nạn nhân, là nhân chứng trong quá trình điều tra và tố tụng tại Tòa án.

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt Khóa học.

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam phát biểu tại Lễ ra mắt Khóa học.

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng Chương trình bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam chia sẻ: Trong những năm qua, UNICEF và Học viện Tư pháp đã hợp tác hết sức chặt chẽ trên hành trình hướng tới mục tiêu chung là tăng cường năng lực về tư pháp người chưa thành niên cho các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, trợ giúp viên pháp lý. Những kỹ thuật mang tính xúc tác của UNICEF thông qua các khóa tập huấn, phiên tòa giả định, hồ sơ vụ án mẫu đã được Học viện Tư pháp tiếp quản, thể chế hóa, mang lại kết quả bền vững, trên quy mô lớn.

Thay mặt Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam, bà Lê Hồng Loan chúc mừng Học viện Tư pháp đã đưa 2 học phần về tư pháp người chưa thành niên vào Chương trình khung đào tạo nghề luật sư theo hệ thống tín chỉ.

Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 đã có hơn 600 học viên là các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư tương lai hoàn thành hai học phần này và được trang bị những kiến thức và kỹ năng cơ bản để có thể bảo vệ tốt hơn người chưa thành niên trong hệ thống tư pháp hình sự cũng như dân sự.

Bà Lê Hồng Loan đánh giá đây là một con số ấn tượng và là minh chứng mạnh mẽ cho sự thành công của chương trình hợp tác của UNICEF và Học viện Tư pháp. Lễ ra mắt Khóa học trực tuyến hôm nay đánh dấu thành tựu hết sức quan trọng trong tình hình các nền tảng học tập số đang mang lại rất nhiều cơ hội để mở mang kiến thức, nâng cao năng lực thông qua việc thúc đẩy học tập linh hoạt và cá nhân hóa.

Học viện Tư pháp đã nắm bắt cơ hội để tối đa hóa số học viên của Học viện có thể tiếp cận được nguồn kiến thức do Dự án hỗ trợ. Hơn thế nữa, các cơ sở đào tạo luật, đào tạo nghề luật, các cán bộ thực thi pháp luật và tư pháp và những người quan tâm đến tư pháp cho người chưa thành niên đều có thể tiếp cận được các nội dung của khóa học.

Bà Lê Hồng Loan khẳng định các học viên của Học viện Tư pháp không hề đơn độc trong hành trình nghiên cứu, làm việc trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em và tư pháp người chưa thành niên. UNICEF và các đối tác đang cùng nhau tiến hành những hành động mạnh mẽ và thiết thực để các thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, trợ giúp viên pháp lý, các cán bộ bảo vệ trẻ em được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ, hỗ trợ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật.

Thay mặt lãnh đạo Học viện Tư pháp, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Minh Hằng cảm ơn Cơ quan phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ; Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia; UNICEF Việt Nam đã hỗ trợ Học viện Tư pháp xây dựng khóa học trực tuyến hết sức hữu ích này, cảm ơn các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã tâm huyết xây dựng nội dung từng học phần của khóa học.

Bà cũng mong các đại biểu dự Lễ ra mắt Khóa học sẽ tích cực lan tỏa thông tin khóa học tới nhiều người hơn nữa để cùng chung tay xây dựng một nền tư pháp phát triển nói chung và tư pháp thân thiện với người chưa thành niên nói riêng.

MỸ LINH/ BÁO NHÂN DÂN

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/xa-hoi/ra-mat-khoa-hoc-truc-tuyen-kien-thuc-co-ban-ve-tre-em-la-nguoi-bi-hai-va-nguoi-lam-chung-trong-to-tung-hinh-su-75534.html