Ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - công trình ý nghĩa chào mừng 70 năm giải phóng Thủ đô
Với việc xây dựng và ra mắt mô hình 'Không gian văn hóa Hồ Chí Minh', Trường THCS Thạch Bàn (quận Long Biên, thành phố Hà Nội) tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đây cũng là địa chỉ giáo dục truyền thống, vun đắp cho các thế hệ học trò thêm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Hòa trong không khí cả nước hân hoan chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), chiều nay (4/10), Ban Giám hiệu - Ban Chấp hành Công đoàn Trường THCS Thạch Bàn đã tổ chức ra mắt mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Chia sẻ về mô hình, cô giáo Phạm Hà - Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Trường THCS Thạch Bàn cho biết: Khi xin ý kiến Bí thư Chi bộ - Hiệu trường nhà trường, chúng tôi rất may mắn được lãnh đạo nhất trí và ủng hộ cao để tổ chức xây dựng mô hình; đồng thời tạo điều kiện về tài chính, tư vấn góc thiết kế, phân công nhân lực cụ thể để Công đoàn nhà trường tiến hành xây dựng. Theo đó, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được hoàn thành là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nhà trường, thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), gắn biển chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Trường THCS Thạch Bàn được xây dựng tích hợp cùng hệ thống phòng đọc giáo viên, có sự liên kết chặt chẽ cùng khu vực thư viện nhà trường, nhằm tôn vinh văn hóa đọc và việc học tập suốt đời - điều mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng.
“Lấy ý tưởng từ làng Sen quê Bác, Không gian được mở ra bằng hình ảnh đầm sen ngát xanh, điểm xuyết những bông hoa sen rực rỡ, được đặt tại khu vực trang trọng trên tầng 4 của nhà trường. Không gian gợi nhớ đến những nơi Người đã từng làm việc, đó là hang Pắc Bó có suối Lê nin, là nhà sàn đơn sơ giản dị tụ hội linh khí Ba Đình. Phía trên cánh cửa bước vào Không gian là dòng chữ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, như một lời nhắc nhở tập thể CBGVNV Trường THCS Thạch Bàn trên con đường tự tu dưỡng và rèn luyện bản thân”, cô giáo Phạm Hà chia sẻ.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh do CBGVNV Trường THCS Thạch Bàn xây dựng được chia thành 3 khu vực chính: Khu vực điểm lại quá trình hoạt động cách mạng của Người cùng những dấu ấn của Người với tổ chức Công đoàn và sự nghiệp Giáo dục. Phần trung tâm với điểm nhấn về Văn hóa Hồ Chí Minh. Phần trên cùng là nơi đọc sách, tra cứu tài liệu…
Cùng đó, trong Không gian cũng dành một khu vực trưng bày các kỉ vật gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như đôi dép cao su, bộ quần áo kaki ngả bạc, chiếc mũ cối…
“Bước vào đây, mỗi người có thể hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đặc biệt đối với những người thầy giáo, cô giáo chúng tôi, lời dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, Vì lợi ích trăm năm trồng người” của Bác như kim chỉ nam, thôi thúc chúng tôi nỗ lực không ngừng để đào tạo nên một thế hệ những con người lao động mới, những con người kế thừa sự nghiệp cách mạng vừa hồng, vừa chuyên”, cô Phạm Hà xúc động chia sẻ.
Được nghe giới thiệu, xem những hình ảnh và kỷ vật về Bác kính yêu, cô giáo Nguyễn Thị Hà Lan xúc động bày tỏ: “Những hình ảnh gắn liền với các mốc thời gian lịch sử đã mang đến những phút giây lắng đọng, đưa chúng tôi lên chuyến tàu ngược về quá khứ để chúng tôi được theo dấu chân Bác đến những nơi mà Người từng đến, được nghe những câu chuyện xúc động về Người. Tôi tin rằng mỗi người khi bước vào Không gian này đều được bồi đắp thêm lòng tôn kính, biết ơn sâu sắc tới chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã sống một cuộc đời thanh cao không gợn chút riêng tư, hi sinh cả tuổi xuân vì độc lập dân tộc”.
Nhà giáo Lưu Thị Miên - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Thạch Bàn cho biết: Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Trường THCS Thạch Bàn được thiết kế tích hợp với không gian của cây cối xanh mát, có thanh âm trong trẻo từ các nhạc cụ giản dị, đơn sơ, có những cuốn sách gần gũi, chân thực viết về Người, có bộ bàn ghế mây mà lúc sinh thời Người rất yêu thích để thư giãn, đọc sách.
“Chúng tôi tin rằng, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ thật sự có ý nghĩa với tất cả các thành viên của ngôi nhà chung Thạch Bàn, để ngày nối ngày, chúng tôi sẽ tới đây để nhận được những di sản mà Người để lại bằng một niềm tin, một phẩm giá trong sáng của người chiến sĩ cách mạng, để yêu những điều mà Người từng yêu, say những điều mà Người từng say và đi theo con đường mà Người đã từng đi suốt cả cuộc đời”, Hiệu trưởng Trường THCS Thạch Bàn khẳng định.
Cũng theo nhà giáo Lưu Thị Miên, mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ là không gian để cán bộ, đảng viên, thầy và trò Trường THCS Thạch Bàn tìm hiểu về những tư liệu liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn liền với những cột mốc lịch sử của Đảng và của đất nước. Đồng thời, Không gian sẽ góp phần làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành nếp sống văn hóa của thầy và trò nhà trường.
Được biết, thời gian tới, CBGVNV Trường THCS Thạch Bàn sẽ hoàn thiện thêm hệ thống quét mã QR code nhằm giúp việc tra cứu, tìm kiếm tài liệu liên quan đến cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thuận tiện, dễ dàng hơn.
Ghi nhận, đánh giá cao về ý nghĩa của mô hình, đặc biệt được ra mắt đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, ông Nguyễn Trường Giang - Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, Quận ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên cho biết: Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường THCS Thạch Bàn là mô hình thứ năm ra mắt trên địa bàn quận Long Biên.
Đây sẽ là bảo tàng thu nhỏ, mô hình trực quan, sinh động để mỗi CBGVNV và học sinh thêm hiểu sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Để Mô hình phát huy hiệu quả hơn nữa, Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên đề nghị Ban Chấp hành Công đoàn sớm tham mưu với cấp ủy, Ban Giám hiệu xây dựng quy chế hoạt động để Không gian thực sự là nơi trang trọng, dùng vào các hoạt động sinh hoạt của Chi bộ, Công đoàn, kết nạp Đảng viên mới, đoàn viên mới…
Cùng đó, Trường cần nghiên cứu, làm phong phú thêm Không gian văn hóa Hồ Chí Minh qua việc sưu tầm thêm các mô hình mô phỏng giới thiệu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác như: Nhà sàn Bác Hồ, làng Sen quê Bác… Nghiên cứu tổ chức các tiết dạy, đưa học sinh ưu tú của các lớp đến giới thiệu về Bác, về truyền thống của nhà trường… qua đó để chính các con học sinh sẽ tiếp tục lan tỏa ý nghĩa tốt đẹp của mô hình.