Ra mắt không gian văn hóa truyền thống tại Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần 2
Trong khuôn khổ Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai, năm 2024, thành phố đã tái hiện không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian để phục vụ người dân và du khách tham gia lễ hội.
Tại khu vực Công viên Bến Bạch Đằng, ban tổ chức đã hình thành không gian văn hóa, văn nghệ “Miền di sản” giới thiệu các loại hình âm nhạc dân tộc.
Theo ông Phạm Thái Bình, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, không gian này nhằm giới thiệu đến công chúng các loại hình di sản văn hóa được tổ chức UNESCO vinh danh như: Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Hát xẩm, Hát Chầu văn, Quan họ Bắc Ninh, Ca Huế,... cùng các điệu múa dân gian của các dân tộc: Kinh, Hoa, Chăm, Khmer…
Đối với Đờn ca tài tử Nam Bộ, chương trình tập trung khai thác các giá trị độc đáo của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - Di sản văn hóa phi vật thể duy nhất ở Nam Bộ được Tổ chức UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với những làn điệu hay, hơi điệu tươi vui trong âm nhạc Tài tử, cụ thể như: Bài bản vắn (truyền thống): Kim tiền bản, Kim tiền huế, Bình bán vắn, Lưu thủy đoản, Khốc hoàng thiên, Sương chiều - Tú Anh, Phong Ba Đình; hệ thống 20 bài bản Tổ…
Ngoài ra, công chúng còn được thưởng thức một số làn điệu thuộc Bộ Bát ngự, làn điệu vọng cổ với các loại nhịp như: nhịp đôi, nhịp tư, nhịp tám, nhịp 16, nhịp 32, “Tân cổ giao duyên” và trích đoạn Cải lương.
Song song đó, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu các tiết mục tiêu biểu của các di sản văn hóa phi vật thể khác như: Chầu Văn, Dân ca Ví dặm, Dân ca Quan họ…. nhằm minh chứng Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm văn hóa-kinh tế bậc nhất của đất nước và là nơi nuôi dưỡng bao loại hình dân gian-dân tộc vô cùng độc đáo và quý báu, góp phần tạo cho diện mạo văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đa dạng sắc màu.
Bên cạnh không gian “Miền di sản”, ban tổ chức Lễ hội Sông nước còn tổ chức hoạt động trải nghiệm trò chơi dân gian truyền thống với những trò chơi hấp dẫn gợi nhớ về tuổi thơ.
Không gian mô phỏng, tái hiện một số hình thức sinh hoạt cộng đồng qua các trò chơi dân gian truyền thống đặc trưng vùng miền và phù hợp với khuôn khổ lễ hội sông nước, cụ thể như: nhảy múa sạp, bịt mắt đập bong bóng và đập chiêng, đi qua cầu khỉ câu cá và hái trái cây, trang trí heo đất, ô ăn quan, tạo hình nghệ thuật bằng lá dừa…
Bên cạnh đó, Nghệ nhân nhân dân Thanh Vân và các thành viên Câu lạc bộ Diều Phượng Hoàng (Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) còn mang đến lễ hội không gian trưng bày diều nghệ thuật và hướng dẫn làm diều. Các nghệ nhân trưng bày diều nghệ thuật được thiết kế hình thức dân gian, bắt mắt, ấn tượng người xem như: Diều bản đồ Tổ quốc, Diều lá cờ Tổ quốc, Diều con rồng, Diều sáo, Diều lồng đèn…. Đồng thời, các nghệ còn hướng dẫn cho du khách các bước làm diều tại chỗ, và tặng diều cho du khách tham gia trải nghiệm.
Các hoạt động trò chơi dân gian được thiết kế và thực hiện với các dụng cụ trò chơi gắn liền với các chất liệu dân gian, bảo đảm an toàn cho người chơi như: tre, nứa, thúng, nia,...
Bên cạnh đó, còn thiết kế và trang trí các cụm tiểu cảnh tái hiện không gian làng quê với các thuyền hoa, lu nước, bụi tre, bụi chuối… nhằm thu hút đông đảo du khách tham gia Lễ hội đến chụp hình lưu lại những khoảnh khắc đẹp tại Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh mùa thứ 2.
Không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian sẽ diễn ra trong 4 đêm (31/5, 1/6, 7/6, 8/6) tại Công viên Bến Bạch Đằng, quận 1.
Lễ hội sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ hai được tổ chức nhằm tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của những dòng sông di sản, lan tỏa niềm tự hào và tình yêu thành phố thông qua chuỗi hoạt động đa dạng, đặc sắc kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, diễn ra đồng loạt tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố từ ngày 31/5 đến ngày 9/6.