Ra mắt mô hình 'Cơ sở tôn giáo an toàn về an ninh trật tự với phương châm tốt đời, đẹp đạo'
Ngày 2-7, UBND xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị ra mắt mô hình 'Cơ sở tôn giáo an toàn về an ninh trật tự với phương châm tốt đời, đẹp đạo'.
Dự hội nghị có đại diện Công an tỉnh Bình Phước, các ban, ngành của huyện Bù Gia Mập, lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn huyện Bù Gia Mập (Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 778, Đồn Biên phòng Bù Gia Mập), cùng ban chấp hành 7 cơ sở tôn giáo trên địa bàn xã Bù Gia Mập.
Xã Bù Gia Mập là xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Xã có 777 hộ dân với gần 7.000 nhân khẩu, trong đó, đồng bào công giáo chiếm khoảng 30%. Bà con công giáo trong xã luôn chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mô hình “Cơ sở tôn giáo an toàn về an ninh trật tự với phương châm tốt đời, đẹp đạo” được ra mắt với quy chế, nội dung, chương trình, kế hoạch rõ ràng, mang tính khả thi cao đã nhận được sự thống nhất của các ban, ngành, các lực lượng vũ trang, sự đồng thuận, ủng hộ của các cơ sở tôn giáo và nhân dân, nhất là đồng bào công giáo trên địa bàn xã Bù Gia Mập.
Mô hình ra mắt nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng các tôn giáo và nhân dân đạo hữu trên địa bàn xã Bù Gia Mập trong công tác tố giác, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn xã hội; đồng thời kết hợp sức mạnh của hệ thống chính trị với sức mạnh của quần chúng nhân dân đối với công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tá Bùi Minh Hòa, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bù Gia Mập, BĐBP Bình Phước cho biết: “Mô hình “Cơ sở tôn giáo an toàn về an ninh trật tự với phương châm tốt đời, đẹp đạo” ra mắt tại xã Xã Bù Gia Mập đã tập hợp các cơ sở tôn giáo tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm; phát huy vai trò, trách nhiệm của đồng bào công giáo trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, góp phần thiết thực, hiệu quả trong việc xây dựng giáo họ, địa bàn không có tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mô hình mới này cần được nhân rộng”.