Ra mắt Ngân hàng Gen (ADN): Bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ

Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Sáng 23/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành ấn nút kích hoạt, chính thức ra mắt “Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung cho biết, thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành ấn nút kích hoạt, chính thức ra mắt “Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành ấn nút kích hoạt, chính thức ra mắt “Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn đã kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về ưu đãi người có công với cách mạng. Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội.

Tuy nhiên, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương, gần 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300.000 liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người mẹ; những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình… ở đâu là những câu hỏi day dứt.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

“Thực hiện kế hoạch tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, trên nền tảng hiện nay các đơn vị đã lưu trữ được số liệu của trên 25.000 dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân, tại Hội nghị này, Bộ LĐTBXH phối hợp với Bộ Công an đề xuất Chính phủ xây dựng Ngân hàng Gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao kết quả giám định mẫu hài cốt cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao kết quả giám định mẫu hài cốt cho thân nhân các gia đình liệt sĩ.

Việc thực hiện lấy mẫu ADN chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân trực tiếp của các liệt sĩ chưa xác định thông tin để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gen sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, làm càng nhanh càng tốt vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài. Song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, gian nan. Chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các Anh hùng liệt sĩ. Nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, góp một phần xoa dịu những mất mát, hy sinh của các thân nhân liệt sĩ”.

Có thể nói việc xây dựng “Ngân hàng Gen” liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và nhân dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả các liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính. Trong bối cảnh công tác giám định gen còn nhiều khó khăn, không ít gia đình liệt sĩ đã đón nhận niềm vui vỡ òa sau nửa thế kỷ chờ đợi: nhờ kết quả giám định ADN mà tìm dược mộ người thân.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã trao kết quả giám định Gen tới 10 gia đình liệt sĩ, trong đó, có 4 gia đình đã hoàn thành việc xác định hài cốt, đưa liệt sĩ về quê hương.

Bà Phạm Thị Vinh - thân nhân của một trong 4 liệt sĩ đã được xác định hài cốt, đưa về quê hương chia sẻ niềm vui mừng, xúc động suốt 2 tuần nay khi xác định được chính xác thông tin của người anh trai. "Nhiều năm nay, gia đình tôi đi tìm anh rất vất vả. Nay cuối cùng đã tìm được anh trở về. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước, các cơ quan, bộ, ngành đã giúp đỡ gia đình tôi tìm và đưa anh về", bà Vinh xúc động bày tỏ.

P.Diệp

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ra-mat-ngan-hang-gen-adn-buoc-chuan-bi-tot-nhat-cho-hanh-trinh-tim-kiem-hai-cot-liet-si-174086.html