Ra mắt 'Người đi dép cao su' - tác phẩm chào mừng 60 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Algeria

Phần đầu kịch bản 'Người đi dép cao su' của nhà văn Kateb Yacine vừa được các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng, có những suất diễn đầu tiên phục vụ khán giả tại Thủ đô.

Với sự hỗ trợ và kết nối từ Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại sứ Algeria tại Việt Nam, “Người đi dép cao su” cũng là tác phẩm nhiều ý nghĩa của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam chào mừng kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam – Algeria, chào mừng 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kateb Yacine là nhà văn Algeria (1929 – 1989) sống nhiều năm ở Pháp, sáng tác thơ, viết tiểu thuyết và kịch. Không chỉ viết kịch bản, ông còn tham gia hoặc tự mình tổ chức những đoàn kịch đi biểu diễn nhiều nơi ở xứ sở quê hương và một số nước châu Âu trước đông đảo khán giả công nhân, nông dân, sinh viên.

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong vở "Người đi dép cao su".

Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện trong vở "Người đi dép cao su".

Năm 1967, ông đến Việt Nam. Những điều tai nghe mắt thấy trên đất nước Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt thôi thúc ông tìm hiểu lịch sử, con người và vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tình yêu, sự kính trọng đối với dân tộc Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho nhà văn viết kịch bản “Người đi dép cao su”.

Bản dựng của Nhà hát Kịch Việt Nam được TS.NSƯT Lê Mạnh Hùng biên tập, đạo diễn. Vở diễn có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam, trong đó, nghệ sĩ Minh Hải thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, NSUT Trịnh Mai Nguyên thể hiện hình tượng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong tác phẩm “Người đi dép cao su”, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được khai thác chủ yếu ở góc độ một con người của đời thường, bình dị mà lớn lao. Tác phẩm cũng phản ánh những phẩm chất cao quý, tinh thần quật cường của một dân tộc dám đứng lên đấu tranh giành tự do, độc lập qua suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

TS, NSƯT Lê Mạnh Hùng cho biết, nhìn chung, kịch bản “Người đi dép cao su” không tuân theo quy tắc kịch truyền thống. Kịch không có thắt nút, mở nút, không còn bị khuôn vào cái khung nghệ thuật quy ước về không gian và thời gian; là kịch thơ mà không phải thơ. Lời thoại của các nhân vật thực chất là văn xuôi, nhưng lại được ngắt ra thành những dòng thơ, văn xuôi tự do, không vần nhưng có nhịp điệu; đây đó vẫn còn cả trang văn xuôi.

"Người đi dép cao su" ca ngợi đất nước, con người Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

"Người đi dép cao su" ca ngợi đất nước, con người Việt Nam qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

Kịch bản “Người đi dép cao su” dài 304 trang, với 1.800 câu thoại, hàng trăm nhân vật có tên và không tên, nên lần này, Nhà hát chưa có điều kiện dàn dựng cả vở mà chỉ có thể biên tập, lựa chọn, dàn dựng, phần đầu của kịch bản. Thông qua phần đầu này, ê kíp thực hiện mong muốn khắc họa một phần nhỏ không gian lịch sử dân tộc với những chặng đường đấu tranh giành độc lập dưới góc nhìn của một nhà văn nước ngoài qua hình tượng “Người đi dép cao su”.

Vở kịch được dàn dựng với một phong cách mới lạ, mang đến cho người xem những cảm xúc mới về kịch và trở thành dấu ấn tốt đẹp trong dịp kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ hữu nghị Việt Nam – Algeria.

N.H

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/ra-mat-nguoi-di-dep-cao-su-tac-pham-chao-mung-60-nam-thiet-lap-quan-he-viet-nam--algeria-i691349/