Ra mắt phim 'Hồ Chí Minh - Con đường phía trước' phần 2

Bộ phim tài liệu 'Hồ Chí Minh - Con đường phía trước' phần 2 mang tên 'Khải hoàn ca giữa lòng Paris' ra mắt chiều 23-1.

Sau gần 2 năm kể từ phần 1, bộ phim tài liệu "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước" với phần 2 mang tên "Khải hoàn ca giữa lòng Paris", dài 2 tập, được giới thiệu. Tác phẩm do biên kịch và đạo diễn Ngô Quang Thịnh thực hiện.

Ê-kíp thực hiện phim tài liệu "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước"

Ê-kíp thực hiện phim tài liệu "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước"

Nhận hoa ngày ra mắt phim

Nhận hoa ngày ra mắt phim

Cùng giao lưu sau khi chiếu phim

Cùng giao lưu sau khi chiếu phim

Đạo diễn Ngô Quang Thịnh chia sẻ

Đạo diễn Ngô Quang Thịnh chia sẻ

Tại buổi ra mắt, ê-kíp chia sẻ về những kỷ niệm vui, buồn trong quá trình làm phim, những khó khăn và áp lực từ thời tiết bất lợi cho đến sự thay đổi của các địa điểm lịch sử. Ngoài ra, việc nghiên cứu tư liệu, cách kể câu chuyện sao cho cô đọng mà vẫn cảm xúc, truyền tải đủ thông điệp mà vẫn cuốn hút, ấn tượng.

Nhiều khách mời tham dự ra mắt phim bày tỏ sự xúc động khi xem, nhất là hiệu ứng kỹ xảo mô tả sinh động cảnh 3 thanh niên người Thụy Sĩ leo và treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris.

"Hồ Chí Minh - Con đường phía trước: Khải hoàn ca giữa lòng Paris" là bài ca chiến thắng trên mặt trận ngoại giao và tư tưởng, là kết quả trong nghệ thuật ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các nước Châu Âu, để Việt Nam nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong việc phản đối chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam.

Điểm nhấn của phim là câu chuyện 3 thanh niên người Thụy Sĩ: ông Olivier Parriaux, ông Bernard Bachelard và Nóe Graff, đã dũng cảm treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris đúng vào ngày mở đầu vòng đàm phán Hội nghị Paris (19-1-1969).

Đây là lần đầu tiên câu chuyện được kể lại chi tiết trong bộ phim này, cũng là lần duy nhất sau 55 năm 3 ông được tái ngộ ngay dưới Nhà thờ Đức Bà Paris sau lần hành động quả cảm ủng hộ Việt Nam vào năm 1969.

Thời kỳ ở Pháp (1917-1923) đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong cuộc đời hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc. Khi mới đến nước Pháp, Nguyễn Tất Thành là người thanh niên yêu nước chưa có khuynh hướng chính trị; khi rời nước Pháp, ở tuổi 33, Người đã là Nguyễn Ái Quốc - một người cộng sản có tiếng tăm, người đứng đầu phong trào giải phóng các dân tộc bị áp bức và chuyên gia về vấn đề thuộc địa.

"Hồ Chí Minh - Con đường phía trước: Khải hoàn ca giữa lòng Paris" có hai tập. Trong đó, tập 1 có tựa đề "Từ Le Harve đến Paris" và tập 2 với tên: "Lá cờ trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris".

Phần 2 của bộ phim được ghi hình ở 2 quốc gia Pháp và Thụy Sĩ, đặc biệt ở Pháp, đoàn phim được ghi hình ở những địa điểm mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những nơi mà phái đoàn Việt Nam đã lưu trú trong thời gian đàm phán Hiệp định Paris.

Bên cạnh đó, ê-kíp làm phim còn có sự cố vấn của các GS-TS, các nhà sử học như: PGS-TS Hà Minh Hồng, GS-TS Trình Quang Phú, bà Helen Luc - nguyên thượng nghị sĩ Đảng Cộng sản Pháp…

Một số ảnh tài liệu về Bác Hồ

Một số ảnh tài liệu về Bác Hồ

Lá cờ trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris

Lá cờ trên đỉnh tháp nhà thờ Đức Bà Paris

Hai tập của phim tài liệu phát sóng lúc 20 giờ ngày 26 và 27-1 trên các nền tảng số của HTV- TFS: Youtube PhimhayTFS, HTVfilms, NewZ, Fanpage: TFS, NewZ và 22 giờ 30 phút ngày 26-1, 22 giờ ngày 27-1 trên HTV9.

Trong phần đầu tiên, bộ phim tài liệu Hồ Chí Minh - Con đường phía trước: Những chuyện kể ở nước Nga đã nhận Giải A giải Báo Chí Quốc Gia năm 2023 và Giải A giải thưởng Hội điện ảnh 2023.

Minh Khuê

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ra-mat-phim-ho-chi-minh-con-duong-phia-truoc-phan-2-196250123173212567.htm