Ra mắt Sách trắng 'Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam'
Sáng 9-3, tại Hà Nội, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ra mắt Sách trắng 'Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam'.
Theo đồng chí Nguyễn Tiến Trọng, Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời, có 54 dân tộc với nhiều tôn giáo khác nhau. Hiện cả nước có trên 26,5 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự.
Đồng chí Nguyễn Tiến Trọng nhấn mạnh, cuốn sách "Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam" sẽ cung cấp cho độc giả trong và ngoài nước những thông tin khách quan, bổ ích, tạo nhận thức đúng đắn, đầy đủ về chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam trong tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như thành tựu, thách thức trong việc bảo đảm quyền này trên thực tế.
Cuốn sách dày 132 trang gồm 3 chương với số liệu phong phú, tin cậy, toàn diện. Đây là những bằng chứng xác thực cung cấp cho độc giả bức tranh khá toàn diện về tình hình thực thi và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.
Theo đó, Chương I sẽ giới thiệu thông tin cơ bản về tôn giáo ở Việt Nam; Chương II là chính sách tôn giáo ở Việt Nam; Chương III là những thành tựu, thách thức và ưu điểm của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Ngoài ra, sách có phần phụ lục giới thiệu một số hình ảnh về tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam; số liệu về tôn giáo; danh mục tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; Điều 24, Hiến pháp 2013 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cũng cho biết, trong thời gian qua Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, được nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đương đầu với không ít khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm quyền này như hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo mặc dù từng bước được hoàn thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ; nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ trong tôn giáo còn hạn chế; sự gia tăng hoạt động truyền bá tôn giáo nhờ sự phát triển của khoa học - công nghệ làm xuất hiện những hiện tượng tôn giáo mới, trái thuần phong mỹ tục, trái luật pháp của Việt Nam; hoạt động tôn giáo trên không gian mạng đang là vấn đề mới phát sinh, gây khó khăn cho việc quản lý của Nhà nước về tôn giáo; một số đối tượng thiếu thiện chí trong và ngoài nước nhận định thiếu khách quan, sai lệch, thậm chí xuyên tạc về tình hình, chính sách tôn giáo của Việt Nam…
"Trên tinh thần đối thoại cởi mở, hợp tác song phương, đa phương có hiệu quả với các nước, các tổ chức quốc tế về lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo, Nhà nước Việt Nam đã, đang và sẽ quyết tâm thực hiện mục tiêu ngày càng bảo đảm, bảo vệ, thúc đẩy các quyền cơ bản của người dân, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo", đồng chí Nguyễn Tiến Trọng nhấn mạnh.
Thực tế, nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946) và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau này đều luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một trong các quyền cơ bản của con người. Hiến pháp 2013 hiến định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người.
Thời gian qua, Nhà nước Việt Nam không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng phát triển, dân chủ, công bằng và văn minh. Nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và phù hợp với đời sống thực tiễn hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18-11-2016. Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30-12-2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Theo sách “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”: Hiện nay, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 4 tổ chức và 1 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo. Theo đó, các hoạt động tôn giáo như đào tạo chức sắc, xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự, quan hệ quốc tế… của cá nhân, tổ chức tôn giáo diễn ra thuận lợi theo quy định của pháp luật. Các hoạt động về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam thời gian qua diễn ra theo xu hướng tích cực, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.