Ra mắt sách về 'chiến binh bảo vệ hành tinh xanh' Greta Thunberg
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6), cuốn sách kể về cô bé Greta Thunberg, một 'chiến binh bảo vệ hành tinh xanh' đã được Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp với Thái Hà Books tổ chức ra mắt độc giả vào ngày 4-6 tại Hà Nội.
Tại cuộc giới thiệu sách, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời là Phó Trưởng ban Công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu, chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ hết xúc động mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian tại phòng họp Hội nghị Thượng đỉnh cùng hành động vì khí hậu của Liên hợp quốc vào tháng 9-2019 khi Greta Thunberg phát biểu. Chính hình ảnh của Greta luôn nhắc nhở tôi phải cố gắng để làm tốt công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp nhiều hơn vì sự phát triển bền vững của Trái đất. Greta đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên thế giới, đặc biệt là thanh, thiếu niên, để mọi người dám đứng lên, dám đòi hỏi để tất cả các chính phủ, các tổ chức, cá nhân phải hành động mạnh mẽ hơn vì môi trường”.
Cô bé Greta là nhân vật chính trong cuốn sách Greta Thunberg - Chiến binh vì hành tinh xanh, dù chỉ mới 15 tuổi đã có một suy nghĩ táo bạo: Phải thay đổi mọi thứ nếu muốn cứu lấy môi trường. Và Greta đã thực hiện từ những hành động đầu tiên, như ngồi trước cổng Quốc hội Thụy Điển với tấm biển ghi dòng chữ “Bãi khóa vì khí hậu”. Cuộc biểu tình một người của Greta Thunberg sau đó đã thu hút hàng triệu người tham gia, từ những người bình thường cho đến những người nổi tiếng, rồi trở thành một phong trào quốc tế Fridays for the Future (Thứ sáu vì tương lai).
Phát biểu tại sự kiện ra mắt cuốn sách, Đại sứ Thụy Điển Ann Mawe chia sẻ: “Hiện nay, có đến 99% chất thải gia đình ở Thụy Điển được tái chế và chỉ 1% phải chôn lấp. Chất thải tái chế có thể được sử dụng làm khí sinh học để tạo ra nhiệt và điện năng cho các phương tiện thông qua giải pháp thân thiện với môi trường. Sự phát triển này là kết quả của cả chính sách và các chiến dịch nâng cao nhận thức một cách nhất quán và triệt để của Chính phủ Thụy Điển. Đó là một ví dụ cho thấy những thay đổi mạnh mẽ có thể thực hiện được nếu mọi thành phần xã hội cùng chung tay. Chính phủ không thể làm điều đó một mình. Với cảm hứng khi đọc cuốn sách về Greta, tất cả chúng ta đều có thể đóng góp để mang lại sự thay đổi. Không ai quá nhỏ để tạo ra sự khác biệt”.
Cuốn sách Greta Thunberg - Chiến binh vì hành tinh xanh ghi lại hành trình đấu tranh vì môi trường của cô bé Greta, đồng thời cũng cho độc giả thêm một góc nhìn về đất nước Thụy Điển, một trong những quốc gia đi đầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Theo ông Phạm Văn Tấn, các cam kết của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đã được đưa vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, vừa được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Quốc hội ngày 26-5 vừa qua. Theo đó, bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường… Để thực hiện các cam kết đó, thanh thiếu niên có vai trò hết sức quan trọng. Vì đây không chỉ là nhân tố tích cực thực hiện ứng phó biến đổi khí hậu, mà còn là đối tượng gánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ xảy ra trong vài thập kỷ tới nếu chúng ta không quyết liệt thực hiện các biện pháp ứng phó ngay từ hôm nay.