Ra mắt tiểu thuyết về hành trình 30 năm Bác Hồ hoạt động ở nước ngoài
Ngày 1/2/2023, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư ra mắt tập 2 bộ tiểu thuyết 'Nước non vạn dặm' của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Tập 2 với tên gọi 'Lênh đênh bốn biển', dày hơn 200 trang, ghi lại hành trình 30 năm lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh hoạt động cách mạng ở nước ngoài.
Theo nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, bộ tiểu thuyết "Nước non vạn dặm" dự kiến gồm 3 tập, khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ba giai đoạn quan trọng của Người: Tuổi ấu thơ và tuổi thanh niên (1890 - 1911); Ba mươi năm Người đi "tìm hình của nước", thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (1911 - 1941); những năm tháng Người về nước cùng Đảng ta, Nhân dân ta đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân, đưa Việt Nam trở thành biểu tượng của khát vọng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1941 - 1969).
Năm 2022, tập 1 "Nợ nước non" và vở sân khấu cùng tên đã ra mắt công chúng ở Hà Nội, TPHCM, Bình Phước, Đồng Nai, Long An và nhiều địa phương khác.
Tập 2 với tên gọi “Lênh đênh bốn biển” khắc họa hình tượng Văn Ba - Nguyễn Ái Quốc ở Pháp, Anh, Mỹ, các nước châu Phi, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan... cho tới ngày Người trở về Tổ Quốc, ngày 28/1/1941. So với tập 1 thì khối lượng tư liệu, nhất là tính tư tưởng của tác phẩm, của nhân vật, sự kiện ở tập 2 “Lênh đênh bốn biển” lớn hơn, rộng hơn rất nhiều.
Tập 2 - "Lênh đênh bốn biển", với hơn 220 trang sách, người đọc sẽ có cái nhìn thấu đáo và có tính hệ thống, tính logic về những bước biến chuyển trong nhận thức, tư duy của một con người vĩ đại, theo cách giản dị nhất. Giản dị như cách mà Người sống trong suốt cả cuộc đời mình.
Nhiều sự kiện, nhân vật của tập 2 “Lênh đênh bốn biển” ít nhiều gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng Nguyễn Ái Quốc nhưng cũng có những nhân vật hư cấu, giống như cách mà nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã triển khai trong tập 1. Họ góp phần làm sáng rõ hơn chân dung nhân vật chính.
Dự kiến tập 3 sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2023, đầu 2024. Với 3 tập, bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm” là bộ tiểu thuyết đầu tiên phản ánh đầy đủ, sâu sắc và sinh động về thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là hình tượng Hồ Chí Minh, con người Hồ Chí Minh, con đường cách mạng Hồ Chí Minh của văn học Việt Nam đương đại.
Ông Kỷ cũng cho biết, cùng với bộ tiểu thuyết 3 tập nói trên, sẽ có 3 vở sân khấu cùng tên song hành, đã và sẽ ra mắt công chúng Hà Nội, Nghệ An, TPHCM, thành phố Huế và một số địa phương khác.
Tại lễ ra mắt sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng, một điều vô cùng quan trọng với thể loại tiểu thuyết lịch sử là nhà văn phải sáng tạo ra những chi tiết và câu chuyện, kể cả những sự kiện xung quanh sự việc có thật để tạo dựng ra đời sống, không khí của câu chuyện có thật đó. Nếu sáng tạo không mang một tinh thần đồng bộ với sự thật thì nhà văn sẽ thất bại và sự sáng tạo có nguy cơ phản bội lại sự thật ở một phía nào đó.
Từ đó, ông Thiều cho rằng, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã lựa chọn một cách xuất sắc những câu chuyện, những sự kiện đặc sắc, cốt lõi, mang tính thông điệp lớn trong rất nhiều câu chuyện và sự kiện liên quan đến cuộc đời hoạt động của Nguyễn Ái Quốc. Rồi từ những câu chuyện, những sự kiện ấy nhà văn tạo dựng nên toàn bộ không khí của lịch sử trong thời đại đó.
“Chắc chắn tác giả đã nghiên cứu nhiều tư liệu liên quan đến năm tháng hoạt động của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài. Điều đó vừa mang lại thuận lợi nhưng cũng là thách thức cho nhà văn. Nếu để tất cả mọi câu chuyện, mọi sự kiện trong những tư liệu ấy cuốn đi thì nhà văn sẽ rơi vào sự chênh vênh giữa một nhà sử học và một người sáng tác,” ông Thiều nói.
Dưới ngòi bút của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ trong tiểu thuyết "Lênh đênh bốn biển", độc giả sẽ thấy rõ hơn những năm ở trời Tây, Nguyễn Ái Quốc vừa vất vả lao động kiếm sống, vừa khao khát tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân. Người nhận rõ một sự thật đầy đau xót, căm hận: chính chủ nghĩa tư bản, bè lũ đế quốc thực dân là những kẻ gây ra mọi áp bức, bóc lột, đau khổ cho công nhân, nông dân và các tầng lớp khác ở các thuộc địa và ngay ở cả chính quốc. Người nói: "Lúc đầu, chính là chủ nghĩa yêu nước, chứ chưa phải là chủ nghĩa cộng sản đã đưa tôi tin theo Lê nin, tin theo Quốc tế thứ Ba". Qua hoạt động yêu nước, tìm đường đi cho dân tộc, Người hiểu rõ, chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ. Từ chủ nghĩa yêu nước, Người đến với chủ nghĩa Mác - Lê nin, tiếp thu bản sơ thảo Luận cương của Lê nin về các vấn đề dân tộc và các vấn đề thuộc địa. Sự gặp gỡ, tiếp xúc lịch sử ấy hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên hay may mắn, đó là một sự dấn thân, sự chủ động chọn đường, một tất yếu khách quan mang tính khoa học và cách mạng.