Ra mắt trung tâm đào tạo điện tử chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam
Trung tâm Đào tạo điện tử quốc tế cung cấp các chương trình đào tạo quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử, vi mạch chuẩn IPC; các chương trình đào tạo thiết kế sản phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế...
Sáng 25-3, Trung tâm Đào tạo Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) phối hợp với Tập đoàn Sun Electronics khánh thành và đưa vào hoạt động trung tâm đào tạo điện tử quốc tế (IETC).
IETC đào tạo nhân lực trong lĩnh vực vi mạch theo chuẩn quốc tế International Process Control (IPC) được áp dụng rộng rãi bởi các tập đoàn công nghệ trên thế giới. IETC cung cấp các chương trình đào tạo quản lý, vận hành nhà máy sản xuất điện tử, vi mạch chuẩn IPC; các chương trình đào tạo thiết kế sản phẩm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế.
Chương trình đào tạo do các chuyên gia người Việt Nam làm việc lâu năm ở các tập đoàn điện tử lớn ở Thung lũng Silicon (Mỹ) thiết kế và trực tiếp giảng dạy. Đối tượng đào tạo của IETC là những kỹ sư đang làm việc tại doanh nghiệp, các sinh viên vừa tốt nghiệp đại học - cao đẳng, những doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực điện tử, vi mạch.
Hoạt động đào tạo của IETC thực hiện theo chủ trương không vì lợi nhuận nhằm thúc đẩy hệ sinh thái ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn của TP HCM và cả nước.
Tại lễ ra mắt, ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, cho biết hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn luôn là một trong những định hướng ưu tiên của Việt Nam trong thời gian qua.
Bộ Khoa học - Công nghệ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách và hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên đầu tư, phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó có sản phẩm vi mạch điện tử và chíp bán dẫn.
Ông Đạt cho hay Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đã phối hợp với các bộ, ngành bổ sung những ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, có cả dự án sản xuất chip trong các luật đầu tư, luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Để hỗ trợ hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực này, Bộ Khoa học - Công nghệ đã phê duyệt triển khai các nhiệm vụ trong các chương trình trọng điểm cấp nhà nước như: KC01, KC03, KC06 và chương trình khoa học - công nghệ quốc gia. Qua các nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, đội ngũ nghiên cứu của Việt Nam từng bước nâng cao năng lực, làm chủ công nghệ trong lĩnh vực này.
"Hệ sinh thái về nghiên cứu thiết kế vi mạch, ứng dụng vi mạch tại Việt Nam đã từng bước được hình thành mà TP HCM là địa phương tiên phong về phát triển công nghệ cao. Trong thời gian tới, thành phố cần tiếp tục thể hiện vị thế của mình trong ngành này" - ông Đạt nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết công nghiệp điện tử, vi mạch là một trong những ưu tiên tập trung phát triển của thành phố trong thời gian tới. Chính quyền TP HCM chọn cách tiếp cận đột phá, đi thẳng vào thiết kế sản phẩm, chip bán dẫn.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP HCM luôn có sự chuẩn bị chính sách, cơ sở vật chất, nhân lực... cho mục tiêu này và đánh giá cao vai trò của các chuyên gia, doanh nghiệp người Việt ở nước ngoài đã quay trở về đóng góp cho sự phát triển nguồn nhân lực vi mạch trong nước.
"Mô hình đào tạo của IETC rất quan trọng và nên kết nối với các trường ĐH của TP HCM để chia sẻ kinh nghiệm, giúp nâng cao hiệu quả đào tạo. Thành phố sẽ tiếp tục rà soát chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, trong đó có cả doanh nghiệp khởi nghiệp, hoạt động ươm tạo doanh nghiệp trong ngành vi mạch, có những suất học bổng cho sinh viên theo học ngành này" - ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.