Ra mắt Trung tâm sấy và bảo quản nông sản khu vực Đà Lạt
Áp dụng công nghệ cao bằng các phương pháp sấy vào bảo quản nông sản giúp người nông nông dân Lâm Đồng giải quyết được mối lo được mùa-mất giá, đồng thời giữ được chất lượng, nâng cao giá trị nông sản trong thời gian bảo quản.
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, việc sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch bằng hình thức thủ công không những làm tổn thất từ 10-13% sản lượng sản phẩm sau thu hoạch, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, an toàn thực phẩm của nông sản. Bởi vậy, để làm giảm tổn thất của việc sơ chế, bảo quản và nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm của nông sản sau thu hoạch, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ cá thể đầu tư lắp đặt các dây chuyền ứng dụng công nghệ sấy để sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông sản sau thu hoạch. Điều này đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Thực tế những năm qua, việc áp các phương pháp sấy vào bảo quản nông sản đã được người dân và các doanh nghiệp Lâm Đồng đẩy mạnh thực hiện. Tuy nhiên, tại một số nơi, hầu hết các nông sản sau thu hoạch còn được sơ chế theo hình thức thủ công trên nền gạch, thậm chí là đường làng khu dân cư, nên bị bám bụi bẩn, ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hơn nữa, việc phơi theo hình thức thủ công này lại phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, nên nếu đến kỳ thu hoạch mà gặp tình trạng mưa kéo dài thì việc phơi sẽ bị gián đoạn, nông sản vừa thu hoạch về dễ bị mọc mầm hoặc mốc, hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, để chủ động trong việc sơ chế, bảo quản, nhằm hạn chế tổn thất, nâng cao chất lượng cho các loại nông sản, Công ty Enco vừa tổ chức ra mắt Trung tâm sấy và bảo quản nông sản khu vực Đà Lạt, Lâm Đồng.
Ông Nguyễn Tấn Thông – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tổng hợp Công ty Cổ phần Enco chia sẻ: Đơn cử như sản phẩm hồng sấy gió Đà Lạt. Trong khi mùa làm hồng treo gió ở Nhật và Đà Lạt đều rơi vào mùa thu từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 12. Thời tiết dịp này ở Nhật lạnh và khô giúp hồng sấy gió có màu sắc và hương vị rất ngon. Đà Lạt ngược lại, có độ ẩm trung bình luôn ở mức cao khoảng 80 - 90% khiến hồng khó khô, còn những thời điểm độ ẩm thấp thì nhiệt độ lại cao, không phù hợp với quy trình sấy hồng treo gió đòi hỏi không khí mát khô.
Chính vì vậy, Công ty Enco đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm phòng sấy lạnh khô cao cấp Drymax, mô phỏng theo 100% khí hậu mùa thu Nhật Bản. Qua đó, giúp sản phẩm hồng sấy treo gió tại Đà Lạt đạt chất lượng tương đương với hồng treo gió Nhật Bản.
Tại buổi ra mắt Trung tâm, Công ty Enco đã giới thiệu đến đông đảo nông dân, các doanh nghiệp các hệ thống sấy đối lưu thế hệ mới, áp dụng cho nhiều loại sản phẩm sấy, giúp tiết kiệm 70% so với các lò sấy sử dụng điện thông thường, với nhiều tính năng ưu việt giúp nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm sấy, nhằm tăng sức cạnh tranh cho nông dân Việt Nam nói chung và nông sản Đà Lạt, Lâm Đồng nói riêng trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhiều chuyên gia đến từ Công ty Enco cũng đã tư vấn, chuyển giao thiết bị, công nghệ đến người dân để giúp cho việc sấy nông sản bà con nông dân có hiệu quả kinh tế cao, bền vững.