Ra nước ngoài định cư có bị thu hồi thẻ Căn cước công dân không?

Xin hỏi, trường hợp ra nước ngoài định cư có bị thu hồi thẻ Căn cước công dân không? - Câu hỏi của bạn Đức Hiệp (Bắc Ninh).

Ảnh minh họa/ITN

Ảnh minh họa/ITN

Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:

Ra nước ngoài định cư có bị thu hồi thẻ Căn cước công dân không?

Đầu tiên, tại khoản 1, Điều 28, Luật Căn cước công dân 2014 quy định: Thẻ Căn cước công dân bị thu hồi trong trường hợp công dân bị tước quốc tịch, thôi quốc tịch Việt Nam hoặc bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Như vậy, với câu hỏi "khi ra nước ngoài định cư có bị thu hồi thẻ Căn cước công dân không?", sẽ xảy ra 02 trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Nếu ra nước ngoài định cư và công dân thôi quốc tịch Việt Nam thì Căn cước công dân của công dân sẽ bị thu hồi.

Đồng thời, theo Điều 19, Nghị định số 137/2015/NĐ-CP có quy định: Trường hợp người dân ra nước ngoài định cư và thôi quốc tịch Việt Nam, cơ quan quản lý Căn cước công dân các cấp có thẩm quyền sẽ thu hồi thẻ Căn cước công dân sau khi nhận được thông báo về việc công dân thôi quốc tịch Việt Nam.

Việc thu hồi thẻ Căn cước công dân phải được lập biên bản, giao cho người bị thu hồi thẻ một bản và có sổ sách theo dõi;

Thẻ Căn cước công dân bị thu hồi được bảo quản và lưu giữ chung cùng hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân tại tàng thư Căn cước công dân.

Trường hợp 2: Nếu như công dân ra nước ngoài định cư nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam thì sẽ không bị thu hồi Căn cước công dân.

Khi ra nước ngoài định cư thì thẻ Căn cước công dân có giao dịch được không?

Theo Điều 20, Luật Căn cước công dân 2014 quy định về giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân cụ thể như sau:

Giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân

1. Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18, của Luật này; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này.

4. Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định trên thì thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

Do đó, có thể thấy khi ra nước ngoài định cư thì thẻ Căn cước công dân sẽ không thể sử dụng để giao dịch được.

Tuy nhiên, thẻ Căn cước công dân được sử dụng để giao dịch trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng các giấy tờ khác.

Ra nước ngoài định cư nhưng để thẻ Căn cước công dân lại cho người khác mượn có bị xử phạt hành chính không?

Đầu tiên, tại khoản 7, Điều 7, Luật Căn cước công dân 2014 quy định về việc làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ Căn cước công dân; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ Căn cước công dân của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ Căn cước công dân; sử dụng thẻ Căn cước công dân giả là những hành vi bị cấm.

Đồng thời, tại khoản 4, Điều 10, Nghị định số144/2021/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân như sau:

Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân

...

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Làm giả Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân hoặc Giấy xác nhận số Chứng minh nhân dân giả;

c) Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;

d) Mua, bán, thuê, cho thuê Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân;

đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

...

Như vậy, từ những quy định trên thì mặc dù đã ra nước ngoài định cư nhưng để thẻ Căn cước công dân lại cho người khác mượn để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.

Đồng thời, buộc nộp lại thẻ Căn cước công dân đối với hành vi mượn hoặc cho người khác mượn theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định này là mức phạt đối với cá nhân (theo khoản 2, Điều 4, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP).

Thái Yến

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giai-dap-phap-luat/ra-nuoc-ngoai-dinh-cu-co-bi-thu-hoi-the-can-cuoc-cong-dan-khong--i357544/