Rà soát, bổ sung điều chỉnh các quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền
Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam tiếp tục triển khai Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Năm 2024, Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sẽ tổ chức xây dựng các Đề án quan trọng như: Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Bắc Trung Bộ phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội; Điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền) và thăm dò một số diện tích có triển vọng; “Điều tra, đánh giá tiềm năng cát, cuội, sỏi lòng sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long”...
Theo đó, Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam tiếp tục triển khai Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện tốt công tác giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động khoáng sản. Đồng thời, hai Cục cũng thẩm định kỹ để cấp phép đúng quy trình, quy định của pháp luật; rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ về thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các đơn vị có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về khoáng sản.
Bên cạnh đó, Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam sẽ rà soát các Giấy phép khai thác khoáng sản chưa phê duyệt hoặc phê duyệt tạm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, lập hồ sơ trình phê duyệt chính thức tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã đủ căn cứ phê duyệt tiền cấp quyền khai thác; triển khai kế hoạch kiểm tra hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản năm 2024; lập Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực khoáng sản.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2023, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhờ đó công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và hoạt động khoáng sản đã có những chuyển biến rõ nét, tích cực. Phần lớn các địa phương đã có quy hoạch khoáng sản hoặc đang rà soát, bổ sung điều chỉnh các quy hoạch khoáng sản thuộc thẩm quyền, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác cấp phép hoạt động khoáng sản được thực hiện theo quy định.
Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Trường Giang cho biết, để đáp ứng yêu cầu triển khai đồng loạt thi công các dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành các nghị quyết cho phép áp dụng các "cơ chế đặc thù" trong việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp, hướng dẫn các địa phương có dự án đi qua và nằm trong hồ sơ dự án về quy trình, thủ tục đăng ký khối lượng, khu vực khai thác mỏ nhằm rút ngắn thời gian, có thể khai thác ngay vật liệu cung cấp cho dự án.
Đến nay, các khu vực phía Bắc và Tây Nguyên cơ bản đáp ứng vật liệu cho các dự án, tiếp tục chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các địa phương đã phê duyệt 103 kế hoạch đấu giá với hơn 200 khu vực và tổ chức thành công các phiên đấu giá thuộc thẩm quyền, đảm bảo tính công khai, minh bạch, lựa chọn được các doanh nghiệp có đủ năng lực về vốn, công nghệ, thiết bị tham gia vào hoạt động khoáng sản. Công tác khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm cấm hoạt động khoáng sản cơ bản đã được các địa phương thực hiện và hoàn thành.
Năm 2023, nguồn thu từ hoạt động khoáng sản đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã nộp 16.479 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản vào ngân sách Nhà nước.