Rà soát các trường hợp đi đến khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại Bình Thuận

* Đắk Lắk phong tỏa nhiều khu dân cư để phòng, chống dịch

Ngày 1/6, Sở Y tế Phú Yên có thông báo khẩn về việc rà soát các trường hợp đi đến khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại tỉnh Bình Thuận.

Căn cứ công văn của Sở Y tế Bình Thuận, Sở Y tế Phú Yên thông báo đến các cơ quan, địa phương để biết, thông báo tới người dân: Những người từng đi đến quán Châu Đốc (cách cổng Thánh mẫu Đức mẹ Tà Pao khoảng 50m), xã Đồng Kho, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận trong khoảng thời gian từ 14 giờ ngày 24/5 đến hết ngày 29/5 cần chủ động liên hệ với trạm y tế xã, phường hoặc cơ sở y tế gần nhất nơi đang lưu trú để khai báo y tế và thực hiện biện pháp cách ly y tế theo quy định.

Tại Đắk Lắk, sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 thứ 4 trong cộng đồng tính từ ngày 25/4 đến sáng 1/6, tỉnh Đắk Lắk đã phong tỏa các khu vực thuộc huyện Ea H’leo (thôn 6A, thôn 6B, thôn 7 thuộc xã Cư Mốt; khu vực dân cư tại quán Thanh Dậu, quán cà phê Cây Si, quán ăn Ba Khía thuộc xã Ea Wy; quán cà phê Rota, quán ăn Dream, giáo xứ Ea H’leo thuộc thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo). Các địa bàn còn lại thuộc các xã Cư Mốt, Ea Wy và thị trấn Ea Drăng của huyện Ea H’leo thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thông tin từ Sở Y tế Đắk Lắk, bệnh nhân thứ 4 ở tỉnh này (bệnh nhân 7.186) liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, TP Hồ Chí Minh.

Tại TP Hồ Chí Minh, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, kết quả điều tra dịch tễ và kết quả giải trình tự gen virus cho thấy chuỗi lây nhiễm liên quan đến hai vợ chồng cư trú ở quận Tân Phú được phát hiện tại Bệnh viện Hoàn Mỹ có mối liên quan với chuỗi lây nhiễm tại Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, thông qua bệnh nhân 6.907 làm việc tại tòa nhà 65 Nguyễn Du, quận 1.

Về ổ dịch tại Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, đến ngày 1/6, cơ quan chức năng xác định có hơn 3.000 trường hợp F1, trong đó 2.527 người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, 415 người đang chờ kết quả. Dịch lan rộng 20/22 quận, huyện của thành phố, trong đó Gò Vấp đã ghi nhận 52 ca, quận 12 ghi nhận 23 ca, các quận: Bình Thạnh, Tân Phú, Tân Bình, mỗi quận ghi nhận 22 ca… Theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh, ổ dịch này có thể lên đến 500 người; hiện còn số lượng lớn F1 đang được cách ly tập trung. Đây là đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay ở TP Hồ Chí Minh, số ca mắc được ghi nhận từ ngày 27/5 đến nay là 211 ca.

Tại Bắc Giang, từ ngày 1/6, tỉnh này triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các xã thuộc huyện Việt Yên. Đợt tiêm chủng sẽ kéo dài khoảng 7-10 ngày. Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ, nhân viên y tế, cán bộ các sở, ban, ngành, đảng ủy các khối cơ quan và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ngày 31/5, Bộ Y tế xuất cấp bổ sung 120.000 liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm cho công nhân trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang.

Nhằm tăng cường nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bắc Giang, Bộ Y tế tiếp tục điều động 148 y bác sĩ, điều dưỡng các chuyên ngành: hồi sức cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, kiểm soát nhiễm khuẩn, dinh dưỡng cùng các kỹ sư thiết bị y tế và dược sĩ đến Bắc Giang.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến trưa ngày 1/6, Việt Nam đã ghi nhận 5.976 ca mắc COVID-19 trong nước và 1.506 ca mắc nhập cảnh, trong đó số lượng mắc từ ngày 27/4 đến nay là 4.406 ca. Đến thời điểm này, Việt Nam đã điều trị khỏi cho 3.043 ca; tử vong 47 ca. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, 161 người có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2, 91 người âm tính lần 2, 79 người âm tính lần 3.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/256330/ra-soat-cac-truong-hop-di-den-khu-vuc-co-nguy-co-lay-nhiem-covid-19-tai-binh-thuan.html