Rà soát phương tiện nhập khẩu không đạt chất lượng an toàn kỹ thuật
Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị rà soát trường hợp phương tiện hoặc phụ tùng xe cơ giới không đạt chất lượng theo các quy định tương ứng của Bộ Giao thông vận tải được cấp thông báo không đạt chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Trước đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam có văn bản gửi Tổng cục Hải quan có ý kiến về việc xử lý vi phạm hành chính đối với các phương tiện nhập khẩu.
Tại văn bản, Cục Đăng kiểm Việt Nam nêu: Hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính chưa có quy định giao Cục Đăng kiểm Việt Nam được quyền xử lý vi phạm hành chính với các trường hợp thuộc các đối tượng nêu trên, nên Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa có cơ sở để xử phạt với các đối tượng này.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 2, Điều 37 của Nghị định 119/2017/ND-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa; Điều 2 Nghị định 126/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ, năng lượng nguyên tử, thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc cơ quan hải quan.
Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ cung cấp kết quả kiểm tra thuộc các trường hợp nêu trên tới cơ quan Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu để có thông tin xử lý theo quy định.
Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị căn cứ quy định của pháp luật, thông báo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hồ sơ vụ việc cụ thể để xem xét xử lý theo đúng thẩm quyền.
Trước vướng mắc này, Tổng cục Hải quan cho hay, phương tiện vi phạm quy định của Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương được cấp thông báo vi phạm Nghị định 69/2018/NĐ-CP.
Theo đó, tại khoản 3 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các điều từ 39 đến 51 của Luật này có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, ngành mình quản lý”.
Ngoài ra, tại khoản 3, 4 Điều 1 Nghị định 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan: “Đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh xảy ra trong lĩnh vực hải quan thì áp dụng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực hải quan không được quy định tại Nghị định này mà được quy định tại các văn bản pháp luật khác thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các văn bản đó”.
Đối chiếu với quy định của pháp luật, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố; Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan rà soát hồ sơ, thống nhất xử lý vi phạm hành chính các vụ việc cụ thể liên quan đến phương tiện nhập khẩu theo đúng thẩm quyền./.