Rà soát quy định về di sản tư liệu
Tiếp tục chương trình làm việc của phiên họp thứ 32, sáng 17/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản (sửa đổi).
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật hiện hành. Một số quy định trong các văn bản dưới luật như điều kiện, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia,… được bổ sung vào dự thảo để tăng tính cụ thể và khả thi của Luật. Một số điều khoản khác được bổ sung, kế thừa có bổ sung như quy định về đầu tư, xây dựng, cải tạo công trình trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích, các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể;… Dự thảo Luật cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh với di sản tư liệu, đây là nội dung được xin ý kiến UBTVQH do đang có sự chồng lấn với Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Thường trực Ủy ban Văn Hóa giáo dục nhận thấy, nội hàm khái niệm “di sản tư liệu” trong dự thảo luật này sẽ bao gồm cả các “tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt” theo quy định tại dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi). Điều này có thể gây khó khăn trong cơ chế quản lý, như xác định thủ tục mang ra nước ngoài, xác định thẩm quyền in sao,… Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại quy định giữa 2 dự thảo luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị không nên tách di sản tư liệu thành một loại hình di sản mới mà nên xác định là một loại hình của di sản văn hóa vật thể hoặc di sản văn hóa phi vật thể.
Giải trình về điều này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết UNESCO khuyến nghị công nhận “di sản tư liệu” là loại hình riêng để có biện pháp bảo vệ kịp thời, phù hợp. Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ tiếp thu đóng góp của các thành viên UBTVQH, nghiên cứu kĩ lưỡng về việc có cần thiết tách “di sản tư liệu” thành một chương riêng trong luật hay không.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ra-soat-quy-dinh-ve-di-san-tu-lieu-218727.htm