Rà soát, quy hoạch phương án thành lập bệnh viện dã chiến
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Xây dựng cùng địa phương thành lập tổ công tác chung để quy hoạch, lựa chọn các địa điểm thành lập bệnh viện dã chiến
Báo cáo về vấn đề hợp tác sản xuất máy thở, phát biểu tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 3/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Tập đoàn Vingroup đã đăng ký sản xuất máy thở xâm nhập và không xâm nhập, dự kiến nửa cuối tháng 4 sẽ có sản phẩm cung ứng cho thị trường Việt Nam. Tập đoàn này đang chuẩn bị tích cực, phối hợp với công ty của Mỹ để triển khai thực hiện.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Y tế tính toán về các loại máy thở cũng như số lượng cụ thể, đồng thời báo cáo với Thủ tướng Chính phủ bằng Tờ trình về việc vận hành sản phẩm sản xuất trong nước.
“Đề nghị Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ, các chuyên gia phối hợp với đơn vị sản xuất là Vingroup xây dựng các tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng sản phẩm theo quy định. Bộ Tài chính theo thẩm quyền giải quyết các vướng mắc, thủ tục, chính sách xuất nhập khẩu các linh kiện của sản phẩm này” – ông Trịnh Đình Dũng nói và cho biết Tập đoàn Vingroup đã sản xuất máy đo thân nhiệt, việc này giao Bộ Y tế xem xét để có thể chấp thuận đưa máy vào hoạt động.
Theo Vingroup, các máy máy đo thân nhiệt đã được sản xuất thử nghiệm thành công với chi phí linh kiện chỉ 16 triệu đồng, thấp hơn hàng chục lần so với các máy đo thân nhiệt trên thị trường hiện nay. Giá linh kiện dự kiến của các máy thở Không xâm nhập khoảng 22 triệu đồng, với máy Xâm nhập là 160 triệu đồng.
Trước mắt, Vingroup sẽ tặng Bộ Y tế 5.000 máy thở không xâm nhập để kịp thời phục vụ chống dịch.
Về việc xây dựng bệnh viện dã chiến, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các cơ quan chức năng đều thống nhất việc cần thiết rà soát lại các phương án thành lập bệnh viện dã chiến trong trường hợp tập trung ở một thành phố.
Ông đề nghị các Bộ Y tế, Xây dựng, cùng các địa phương thành lập tổ công tác chung để quy hoạch, lựa chọn các địa điểm thành lập bệnh viện dã chiến tại các địa phương, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM như sân vận động, nhà thi đấu, hội trường lớn....
Bên cạnh đó, cần lên phương án thiết kế xây dựng bệnh viện dã chiến bằng lều bạt và bệnh viện theo kiểu lắp ghép theo kiểu lắp ghép như nhiều nước đang làm.
“Bố trí mặt bằng xây dựng sẵn có như nhà kho, nhà thi đấu, trường học để xây dựng bệnh viện dã chiến. Cùng với đó chuẩn bị ngay lực lượng xây dựng bệnh viện dã chiến khi cần thiết. Lực lượng này không chỉ có quân đội mà còn có lực lượng dân sự. Giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế chuẩn bị lực lượng xây dựng bệnh viện” – ông Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh./.