Rà soát, sắp xếp lại các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách ở Hà Tĩnh
Sở Tài chính Hà Tĩnh có nhiệm vụ phối hợp với các sở, ngành liên quan để rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, trên cơ sở đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền sắp xếp, kiện toàn phù hợp với quy định pháp luật, thực tế địa phương.
Sáng 19/4, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức làm việc với Sở Tài chính về công tác quản lý và sử dụng quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2020 - 2022 trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 16 quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập. Các quỹ này được thành lập với quy mô, tính chất và phạm vi hoạt động phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tế của tỉnh, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về mục tiêu, phạm vi và các lĩnh vực hoạt động.
Các quỹ có nguồn thu từ hoạt động để bổ sung và phát triển nguồn vốn; thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh đã triển khai cho vay 5 dự án với tổng tiền giải ngân 40,5 tỷ đồng; 80% số lượng căn hộ nhà ở xã hội được bán theo quy định của pháp luật... Hoạt động của quỹ đã thúc đẩy, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực xã hội hóa theo chủ trương của Nhà nước, của tỉnh, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu, giảm chi ngân sách, hiện đại hóa hạ tầng đô thị, tạo cảnh quan, môi trường.
Về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, trung bình hằng năm, tiền dịch vụ môi trường rừng thu được khoảng 8-9 tỷ đồng để chi trả cho các chủ rừng nằm trong lưu vực nhằm thực hiện công tác bảo vệ phát triển rừng.
Quỹ Bảo vệ môi trường thu được 60 tỷ tiền ký quỹ phục hồi môi trường của các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, thực hiện hoàn trả kinh phí phục hồi môi trường của 34 mỏ khoáng sản, với số tiền 5,3 tỷ đồng. Quỹ đã kết nối với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam hỗ trợ vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp với lãi suất thấp (2,6%/năm). Đến nay, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đã cho vay 170 tỷ đồng để thực hiện các dự án sản xuất gạch không nung, dự án đầu tư xây dựng dây chuyền ngói màu không nung và dự án điện mặt trời.
Quỹ Phát triển đất cơ bản đáp ứng đúng tiêu chí khi thành lập, không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện việc ứng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo quỹ đất đã giảm vốn đầu tư từ ngân sách, góp phần tăng thu ngân sách địa phương, tạo hạ tầng đô thị đồng bộ, đảm bảo quy hoạch chung của tỉnh.
Quỹ Phòng, chống thiên tai đã thực hiện cấp kinh phí cho các địa phương, đơn vị sửa chữa, nâng cấp 25 công trình và hỗ trợ cho các hoạt động ứng phó phòng, chống thiên tai và cứu trợ dân sinh với tổng kinh phí 24.985 triệu đồng, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Đối với Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, giai đoạn 2020 - 2022, đã giải ngân cho 20.142 lượt thành viên vay vốn với tổng số tiền cho vay là 435.009 triệu đồng.
Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh đã cho vay 71 dự án với 724 hộ, góp phần giúp hội viên nông dân xây dựng các mô hình kinh tế, giải quyết việc làm nhàn rỗi trong nông dân, tạo thuận lợi cho nông dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã thực hiện cho 256 dự án vay vốn. Các dự án vay, sử dụng đúng mục đích, trả nợ gốc và lãi đúng kỳ hạn, sau khi sử dụng vốn lợi nhuận tăng trên 10-15% so với thời điểm trước khi vay vốn...
Tuy vậy, trong quá trình hoạt động của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn vẫn còn một số bất cập, hạn chế như: Hệ thống văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến việc thành lập, quản lý, sử dụng quỹ từ Trung ương đến địa phương chưa có khuôn khổ pháp lý chung; các quỹ có vốn điều lệ thấp, quy mô nhỏ, nguồn huy động từ xã hội hóa hạn chế; bộ máy điều hành một số đơn vị chủ yếu kiêm nhiệm, dẫn đến chất lượng hoạt động của một số quỹ chưa cao…
Thời gian tới, đề nghị xây dựng khung pháp lý thống nhất để quản lý các quỹ Tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; xem xét sửa đổi một số chính sách về đầu tư xây nhà ở xã hội đối với các địa phương có nhu cầu thuê nhà thấp như Hà Tĩnh; sớm ban hành các văn bản quy định hướng dẫn về quy chế hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường; hướng dẫn, quy định cụ thể về cơ chế tài chính của Quỹ Phát triển khoa học công nghệ...
Tại buổi làm việc, các đại biểu đề nghị rà soát, tổng kết đánh giá tình hình hoạt động của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn, trên cơ sở đó đề xuất sắp xếp lại để hoạt động phù hợp với quy định pháp luật, thực tế địa phương...
Qua nghe các ý kiến, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Thị Thúy Nga đề nghị Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành liên quan để rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn; trên cơ sở đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền sắp xếp, kiện toàn phù hợp với quy định pháp luật, thực tế địa phương; xem xét sáp nhập, ủy thác các quỹ có cùng chức năng, nhiệm vụ, các quỹ mang tính chất đầu tư sinh lợi để xây dựng bộ máy chuyên trách, tiết kiệm chi phí quản lý, đồng thời tập trung nguồn lực để thực hiện đạt hiệu quả.
Đồng thời, hằng năm, báo cáo HĐND tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính của các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Về các kiến nghị của Sở Tài chính, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh sẽ tiếp thu, tổng hợp báo cáo, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.