Rà soát tổng thể, tháo gỡ kịp thời

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, cần báo cáo Quốc hội và Chính phủ rà soát tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó làm rõ những dự án nào triển khai hiệu quả, thực tế đòi hỏi thì cần tháo gỡ ngay. Nội dung nào không thể triển khai, hoặc không có đối tượng, thì theo nguyên tắc 'ai quyết định vấn đề gì, điều chỉnh vấn đề đó'.

Giai đoạn 2021 - 2023 đã giải ngân hơn 7.800 tỷ đồng

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những vấn đề trọng tâm, được nhiều địa phương phản ánh tại Hội nghị sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Ủy ban Dân tộc.

Đại diện tỉnh Vĩnh Long phát biểu trực tuyến với hội nghị. Ảnh: H.Ngọc

Đại diện tỉnh Vĩnh Long phát biểu trực tuyến với hội nghị. Ảnh: H.Ngọc

Theo Báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 Công điện, Chỉ thị chỉ đạo trực tiếp các cơ quan thực hiện Chương trình; 5 văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chủ trì hoàn thiện việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi, ban hành các quy định, hướng dẫn thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm căn cứ pháp lý để Chương trình triển khai đạt tiến độ, mục tiêu đề ra.

Đến nay, Báo cáo ghi nhận có 35 văn bản quy định, hướng dẫn triển khai nội dung cụ thể về Chương trình đã được cấp Trung ương ban hành. Một số địa phương đã cơ bản hoàn thành đầy đủ văn bản theo thẩm quyền để cơ sở tổ chức triển khai thực hiện, như: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Lâm Đồng, Cà Mau...

Ủy ban Dân tộc cũng đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình. Tổ chức các Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2023, giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023-2025 và Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, định hướng triển khai giai đoạn 2026-2030 tại 3 khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và khu vực phía Nam. Ban hành Đề án chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025... Các địa phương đã xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực triển khai công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình trên địa bàn theo giai đoạn và hàng năm.

Tính đến thời điểm ngày 31.5.2023, tổng hợp từ các địa phương có báo cáo cho thấy, kết quả giải ngân nguồn vốn được giao giai đoạn 2021-2023 thực hiện Chương trình là hơn 7.800 tỷ đồng, đạt 18,54%. Một số tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân cao so với bình quân của cả nước là: Hà Nội, Hậu Giang, Quảng Ninh, Yên Bái, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Quảng Ngãi.

Khả năng cao không giải ngân hết vốn sự nghiệp 2023

Những con số trong Báo cáo cũng cho thấy, tiến độ giải ngân nguồn vốn giai đoạn 2021 - 2023 còn thấp so với kế hoạch. Trong đó, đáng lo ngại là khó khăn trong giải ngân vốn sự nghiệp, đến 31.5.2023, giải ngân vốn sự nghiệp giai đoạn 2021 - 2023 thực hiện Chương trình chỉ đạt hơn 1.200 tỷ đồng, tương đương 6,47%.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị Ảnh: H.Ngọc

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị Ảnh: H.Ngọc

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến, lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ngãi thừa nhận, khả năng năm 2023 sẽ không giải ngân hết vốn sự nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp liên quan đến nội dung đào tạo, đất ở, đất sản xuất, giải quyết việc làm thuộc Chương trình. Nếu không thể giải ngân hết, vốn sự nghiệp sẽ được địa phương gửi lại Trung ương để xin chuyển nguồn sang năm 2024.

Các địa phương này cũng kiến nghị, các bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn để địa phương sử dụng nguồn vốn sự nghiệp cho phù hợp. Xem xét phân bổ vốn sự nghiệp cho cả giai đoạn 2023 - 2025, giao địa phương linh hoạt điều chỉnh vốn sự nghiệp dựa trên nhu cầu thực tế.

Trước đó, theo Quyết định 1506/QĐ-TTg giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, vốn sự nghiệp được giao chi tiết đến từng dự án, không được phép điều chỉnh giữa dự án này với dự án khác.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ, thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc là nhiệm vụ lớn của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Trong đó, cơ quan làm công tác dân tộc có nhiệm vụ tham mưu, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, tiếp nhận ý kiến để phản ánh kiến nghị đến các cấp, các ngành, cơ quan có thẩm quyền xử lý, đồng thời xử lý những vấn đề được giao theo chức năng, nhiệm vụ. Cho nên, Ủy ban Dân tộc không thể giải quyết được mọi vướng mắc liên quan đến công tác dân tộc và chính sách dân tộc; mà rất cần một cơ chế phối hợp với các cơ quan có liên quan.

Thẳng thắn chỉ rõ, bộ máy và năng lực của cơ quan làm công tác dân tộc các cấp còn yếu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, hiện nay, nước ta chỉ có 46/51 tỉnh, thành phố có Ban Dân tộc thuộc tỉnh; 270/ 713 huyện có Phòng Dân tộc cấp huyện. Có 5 tỉnh không có Ban Dân tộc, chỉ thành lập Phòng Dân tộc ở UBND cấp tỉnh… Với bộ máy không tổng thể và toàn diện, biên chế cán bộ làm công tác dân tộc cũng không đồng đều như vậy, trong khi đó công tác dân tộc là công việc khó, nếu không có cách làm đúng, sẽ không nắm được tình hình.

Từ thực tế đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu câu hỏi: Tại sao Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về chủ trương và mục tiêu là hoàn toàn đúng đắn, nhưng không triển khai được? Trả lời câu hỏi này, theo Bộ trưởng, bên cạnh câu chuyện thể chế, cần nhìn thẳng vào công tác nắm tình hình thực tế còn có vấn đề. Bởi, thực tế đang có những dự án, nội dung không có đối tượng để triển khai, có những nội dung chưa làm đã hoàn thành mục tiêu, và cũng có những nội dung không thể triển khai được do vướng Luật. "Tức là ngay từ lúc xây dựng kế hoạch đã không tính đến câu chuyện này” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nói.

Tới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc lưu ý, phải báo cáo với Quốc hội, Chính phủ để rà soát tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chứ không để tình trạng "nay tỉnh A báo cáo, mai tỉnh B đề nghị". Trong đó, cần làm rõ, những dự án, nội dung nào triển khai có hiệu quả, thực tế đòi hỏi thì tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nội dung nào không thể triển khai, hoặc không có đối tượng, thì báo cáo Quốc hội, Chính phủ điều chỉnh, theo nguyên tắc “ai quyết định vấn đề gì, điều chỉnh vấn đề đó”. Đơn cử, liên quan đến chủ trương đầu tư và mục tiêu phải báo cáo Quốc hội, liên quan đến triển khai các dự án thì báo cáo Chính phủ. Trên cơ sở kết quả rà soát tổng thể như vậy thì điều chỉnh các quy định ở các Nghị định, Thông tư có liên quan, bảo đảm tính khả thi của Chương trình.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/ra-soat-tong-the-thao-go-kip-thoi-i336144/