Rắc rối chuyện bàn giao công việc
Trách nhiệm bàn giao khi nghỉ việc không được quy định trong luật khiến người lao động lẫn người sử dụng lao động lúng túng
"Tôi xin nghỉ việc khi đang trong thời gian thử việc. Công ty yêu cầu tôi phải viết đơn xin nghỉ đồng thời phải bàn giao công việc xong thì mới giải quyết. Do một số nhân viên vừa nghỉ việc, cả phòng chỉ còn mình tôi, không có người tiếp nhận công việc nên công ty yêu cầu tôi phải tuyển được người mới và bàn giao xong mới được nghỉ. Nếu chưa tuyển được thì tôi phải tiếp tục làm cho đến khi kiếm được người mới". Đây là phản ánh của chị Nguyễn Hồng Thu, nhân viên kế toán Công ty TNHH P.N (tỉnh Bình Dương), gửi đến Báo Người Lao Động.
Bị treo quyền lợi
Chị Thu ký hợp đồng thử việc 2 tháng, kể từ ngày 3-9-2020. Khi mới vào làm, bộ phận của Thu có 3 người nhưng sau đó họ đều xin nghỉ, chỉ còn lại một mình chị. Sau hơn 1 tháng làm việc, do không thể đảm đương nổi khối lượng công việc quá nhiều, đặc biệt là không hài lòng với cách điều hành của lãnh đạo công ty, chị Thu đã xin nghỉ việc. Dù chị đã báo trước 3 ngày nhưng không được công ty chấp thuận.
Theo quy định của Bộ Luật Lao động, trong thời gian thử việc, người lao động (NLĐ) có thể nghỉ mà không cần báo trước. Tuy nhiên, công ty lại làm khó dễ chị bằng cách yêu cầu nếu không bàn giao sẽ không trả sổ BHXH và lương những ngày đã làm việc. Đặc thù công việc liên quan đến các sổ sách, chứng từ tài chính, Thu rất muốn giải quyết dứt điểm vụ việc để tránh ảnh hưởng đến quá trình tìm việc sau này, nên không biết làm thế nào cho đúng.
Chị Trần Thị Ngọc Hà, nhân viên kinh doanh Công ty TNHH M.L (quận 7, TP HCM), cũng gặp rắc rối về vấn đề bàn giao khi nghỉ việc. Sau 4 năm gắn bó với công ty, tháng 6-2020, do không kham nổi áp lực về doanh số bán hàng, chị Hà xin nghỉ việc. Trong thời gian báo trước 45 ngày, chị Hà nhiều lần yêu cầu bàn giao công việc nhưng công ty không bố trí được người tiếp nhận. Ngày cuối cùng trước khi hết hạn báo trước, công ty mới yêu cầu Hà bàn giao.
Tuy nhiên, việc bàn giao chưa hoàn tất nên biên bản bàn giao không được các bên liên quan ký xác nhận. Sau khi Hà nghỉ việc và đã làm ở công ty mới, công ty cũ vẫn yêu cầu chị quay trở lại bàn giao công việc. Do không thể xin nghỉ làm nên đến nay việc bàn giao ở công ty cũ của chị vẫn giậm chân tại chỗ. Từ đó tiền lương tháng 6 của chị Hà vẫn bị treo, sổ BHXH vẫn chưa được công ty chốt và trả theo quy định.
Thiệt hại cho cả hai phía
Bà Nguyễn Kiều Linh - giám đốc nhân sự một công ty bất động sản ở quận 1, TP HCM - cho biết đối với lao động phổ thông thì việc bàn giao công việc không quá quan trọng. Tuy nhiên, với những người có chức vụ, quản lý, trưởng bộ phận hay làm việc ở các vị trí kế toán, IT… thì việc làm này vô cùng cần thiết. Việc một cán bộ, nhân viên nghỉ việc ngang, không bàn giao công việc đầy đủ có thể gây phiền phức và thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Gần 20 năm làm công tác nhân sự, bà Linh đã gặp không ít tình huống dở khóc dở cười vì NLĐ không bàn giao khi nghỉ việc. Sự cố khiến bà Linh nhớ nhất xảy ra 2 năm trước. Khi đó, do khúc mắc với lãnh đạo công ty, một nhân viên IT (lập trình, quản lý mạng, SEO website) đột ngột nghỉ việc mà không báo trước và cũng không bàn giao công việc. Mật khẩu đăng nhập, đặc biệt là những thông tin liên quan đến yếu tố bảo mật do nhân viên này quản lý khiến ban giám đốc đứng ngồi không yên.
"Khi chúng tôi liên hệ yêu cầu bàn giao thì nhân viên này trả lời khi vào làm việc không hề nhận bàn giao từ IT cũ. Hơn nữa, việc xây dựng hệ thống dữ liệu do anh ta thực hiện nên công ty không thể bắt buộc phải bàn giao. Sau nhiều lần đến nhà tìm thuyết phục, thậm chí dọa khởi kiện, nhân viên này mới đồng ý bàn giao công việc" - bà Linh nhớ lại.
Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, Bộ Luật Lao động hiện hành có liệt kê một số nghĩa vụ cơ bản của NLĐ khi tham gia quan hệ lao động như thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), thỏa ước lao động tập thể, chấp hành nội quy, kỷ luật lao động, tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động (NSDLĐ)... Bên cạnh đó, khoản 2 điều 47 có nêu trong 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Pháp luật hiện hành không có bất cứ quy định nào về nghĩa vụ của NLĐ phải bàn giao công việc trước khi nghỉ việc. Do đó, nếu NLĐ không bàn giao công việc thì NSDLĐ cũng không có căn cứ pháp lý để xác định trách nhiệm cũng như yêu cầu họ bồi thường trong trường hợp có thiệt hại xảy ra. Hơn nữa, khi NLĐ đã nghỉ việc, NSDLĐ thường áp dụng biện pháp chế tài là giam lương, trợ cấp thôi việc, sổ BHXH… Cách làm này không phù hợp quy định pháp luật.
"Để hạn chế tranh chấp, NSDLĐ nên quy định nghĩa vụ bàn giao công việc kèm theo biện pháp chế tài ngay trong HĐLĐ. Một khi NLĐ vi phạm điều khoản giao kết thì NSDLĐ hoàn toàn có căn cứ để truy cứu trách nhiệm" - ông Phúc góp ý.
Thể hiện đạo đức nghề nghiệp
"Dù pháp luật không quy định trách nhiệm phải bàn giao công việc khi chấm dứt HĐLĐ nhưng NLĐ nên xem đó là một phần công việc phải hoàn thành trước khi nghỉ việc. Thực hiện tốt nghĩa vụ này là cách NLĐ thể hiện trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, đồng thời giúp bản thân không bị thiệt thòi quyền lợi, hạn chế phát sinh các cuộc tranh chấp lao động" - bà Nguyễn Kiều Linh nhìn nhận.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/rac-roi-chuyen-ban-giao-cong-viec-20201026212038874.htm