Rắc rối khi tài sản chung vợ chồng chỉ đứng tên một người
Vì nhiều lý do nhiều người đã chọn chỉ đứng tên vợ hoặc chồng trên giấy tờ giao dịch tài sản chung nên đã gây khó khăn cho việc xác định tài sản chung - riêng khi có tranh chấp cũng như khi thực hiện các giao dịch về tài sản.
Không chứng minh được, tài sản riêng bị đem chia
Ông bà Đ.T.B. và P.Đ.N. (ở Hoài Nhơn, Bình Định) kết hôn năm 1995. Do những bất hòa trong cuộc sống nên năm 2007 họ ra tòa ly hôn nhưng thời điểm này họ không yêu cầu tòa chia tài sản chung. Năm 2011, sau khi đi lao động ở nước ngoài trở về bà B mới yêu cầu chia tài sản chung, trong đó có 2 lô đất; tuy nhiên, ông N cho rằng hai lô đất là do ông đứng tên hộ một người họ hàng. Tại phiên tòa sơ thẩm, tòa chia mỗi người một lô đất; sau đó, do có kháng cáo nên TAND tỉnh đã mở phiên tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm vì vi phạm tố tụng
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2, Tòa án huyện chỉ chấp nhận 1 trong 2 lô đất là tài sản chung vợ chồng, lô còn lại Tòa xác định ông N. chỉ đứng tên hộ, vì thế bà B chỉ được chia 1 nửa lô đất này. Đương sự tiếp tục kháng cáo, ông N vẫn cho rằng cả thửa đất tòa đem chia ông cũng chỉ là người đứng tên hộ. Tháng 8/2013, Tòa án cấp phúc thẩm tiếp tục hủy án sơ thẩm, vòng quay tố tụng bắt đầu từ điểm xuất phát…
Thực tế cho thấy, có rất nhiều vụ việc mà quá trình giải quyết Tòa án gặp khó khăn khi tài sản chung vợ chồng nhưng chỉ đứng tên một người, trong khi đây lại là một thực tế khá phổ biến. Một tổ chức quốc tế khi khảo sát vấn đề này tại 6 tỉnh ở Việt Nam đã cho thấy, rất nhiều trường hợp tài sản vợ chồng chỉ đứng tên 1 người (chủ yếu đứng tên chồng).
Luật Hôn nhân và gia đình có quy định rõ về tài sản chung của vợ chồng, theo đó gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Luật cũng quy định “Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng”.
Như vậy, cả trong trường hợp (như của ông N nói trên) nếu chỉ đứng tên một người mà không có chứng cứ chứng minh là tài sản riêng thì theo luật vẫn bị coi là tài sản chung. Thực tế, có rất nhiều trường hợp vợ/chồng được tặng, cho hoặc thừa kế riêng tài sản và họ không nhập tài sản này vào khối tài sản chung, nhưng vì họ không thể chứng minh được việc này thì đó vẫn là tài sản chung và phải được đem chia nếu có tranh chấp.
Tự xác lập giao dịch thì sẽ bị vô hiệu
Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng và gia đình; quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba; sự an toàn trong giao dịch khi xác lập, thực hiện các giao dịch đối với tài sản chung của vợ chồng mà theo quy định pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng, dự thảo Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi đã bổ sung quy định về việc đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp này.
Theo đó, việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định về căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng, đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên các giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định của Luật Hôn nhân gia đình về đại diện giữa vợ và chồng thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp có đủ căn cứ xác định người thứ ba ngay tình theo quy định của Bộ luật dân sự
Tuy nhiên, trong khi chờ sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình thì để tránh những rắc rối phát sinh trong phân chia tài sản vợ, chồng thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu việc đứng tên cả hai người là yêu cầu chính đáng và do luật định. Nếu tài sản trong hôn nhân chỉ đứng tên một người thì không những khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp mà trong cả các giao dịch thường ngày (như chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp, tặng cho…). Đặc biệt, các cơ quan chức năng khi làm các thủ tục liên quan (nhất là chuyển nhượng) cần kiểm soát, xác minh chặt để tránh việc làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người còn lại có quyền sở hữu/sử dụng chung.