Rắc rối kìm hãm bóng đá Anh tại Olympic
Bất chấp sự phát triển của Premier League và việc vươn lên thành một trong những quốc gia đào tạo trẻ hay nhất châu Âu, người Anh vẫn để lại ít dấu ấn tại sân chơi Olympic.
Trong lịch sử 125 năm của Olympic, Vương quốc Anh (cùng Hungary) là bộ đôi thành công nhất ở bộ môn bóng đá nam với 3 huy chương vàng. Song lần cuối người Anh ngẩng cao đầu ở thế vận hội đã là câu chuyện của năm 1912.
Hơn 100 năm đã trôi qua, giờ người Anh chỉ là cái bóng mờ tại sân chơi Olympic.
Sự nghiệp dư của bóng đá Vương quốc Anh tại Olympic
Cả 3 huy chương vàng bóng đá nam của Anh đều giành được trong các trường hợp đặc biệt. Năm 1900, khi bóng đá lần đầu được đưa vào hệ thống thi đấu của Olympic, nhiều quốc gia không đủ người để thành lập đội tuyển tham dự và phải cử CLB đi thay.
Upton Park, một CLB bóng đá nghiệp dư tham dự với danh nghĩa đại diện cho Vương quốc Anh (bao gồm Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland), đã giành huy chương vàng. Tại Olympic 1908 và 1912, Vương quốc Anh thành lập đội tuyển gồm toàn cầu thủ nghiệp dư và tiếp tục ngẩng cao đầu với thành tích số một.
Nghiệp dư là tính chất đặc biệt của bóng đá nam Vương quốc Anh tại Olympic. Năm 1920, khi Vương quốc Anh vẫn cử các cầu thủ nghiệp dư tham dự OIympic, các quốc gia khác đã chọn cầu thủ chuyên nghiệp. Chỉ muốn bóng đá Olympic là cuộc chơi của các cầu thủ nghiệp dư, Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) mâu thuẫn với Liên đoàn Bóng đá thế giới và quyết rời khỏi FIFA.
Từ đó tới giờ, bóng đá Anh hay Vương quốc Anh không thể giành nổi huy chương nói chung tại Olympic. Vị trí tốt nhất của quốc gia tự nhận là "quê hương bóng đá" chỉ là vị trí thứ tư vào năm 1948.
Bất chấp sự phát triển của bóng đá cấp độ ĐTQG lẫn CLB, Vương quốc Anh không thể trở lại thành thế lực ở đấu trường Olympic bởi sự bảo thủ trong việc chỉ sử dụng các cầu thủ nghiệp dư tại sân chơi Thế vận hội. Người Anh từng không thể vượt qua nổi vòng loại trong 3 kỳ thế vận hội liên tiếp (1964, 1968, 1972) chỉ bởi muốn sử dụng những cầu thủ trình độ thấp.
Đến năm 1974, người Anh quyết định không phân biệt giữa cầu thủ nghiệp dư và chuyên nghiệp. Điều này cũng chấm dứt sự tồn tại của Đội tuyển nghiệp dư Anh. Đến thời điểm nhận định được thực tế kỳ quặc này, FA lại quyết định từ chối cử đội hình dự Thế vận hội.
Bóng đá ở cấp độ Olympic vắng người Anh từ năm 1972 đến 2012 cũng một phần vì nguyên nhân này.
Rắc rối Anh - Vương quốc Anh
Câu đùa phổ biến trong môn quần vợt "Nếu Andy Murray thắng, anh ta là người Vương quốc Anh, nếu thua, Murray là người Scotland" có thể sử dụng để lý giải việc người Anh để lại ít dấu ấn ở sân chơi Olympic.
Tranh chấp, đố kỵ không chỉ tồn tại trong quan điểm giữa người Anh với Scotland hay phần còn lại của Vương quốc Anh, điều này còn trực tiếp làm ảnh hưởng tới cơ hội của bóng đá Anh tại Olympic.
Từ năm 1992, giải vô địch U21 châu Âu được sử dụng làm vòng loại môn bóng đá nam tại Olympic. Các đội tuyển thuộc Vương quốc Anh đã có 3 lần giành vé tới Olympic nhưng không thể tham dự "Thế vận hội" vì mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên.
Scotland giành vé tới Olympic vào năm 1992 và 1996 nhưng không thể tham dự Thế vận hội khi sẽ phải tới với danh nghĩa Vương quốc Anh, điều Liên đoàn Bóng đá Scotland tin rằng sẽ gây nguy hiểm cho vị thế độc lập của đội tuyển quốc gia nước này cùng danh nghĩa "quê hương của bóng đá" (Home Nations) được công nhận bởi FIFA.
Anh giành vé tới Olympic Bắc Kinh 2008 khi về thứ tư tại giải U21 châu Âu 2007 nhưng cũng không thể tới Olympic với lý do tương tự Scotland năm 1992 và 1996.
Năm 2012, khi Olympic được tổ chức tại London (Anh), Vương quốc Anh nghiễm nhiên có vé và tính tới việc cử đội tuyển bóng đá nam dự Olympic lần đầu sau 52 năm. Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland ban đầu bày tỏ sự quan ngại khi vị thế độc lập của các đội tuyển này cùng danh nghĩa "Quê hương bóng đá" có thể bị ảnh hưởng nếu dự Olympic với tư cách Vương quốc Anh.
Tuy nhiên, Chủ tịch FIFA khi đó, Sepp Blatter, nhấn mạnh điều này sẽ không xảy ra. Song Scotland và Bắc Ireland cũng không cử cầu thủ tham dự Olympic. Và tuyển Vương quốc Anh lần đầu có mặt tại sân chơi Olympic sau 52 năm với thành phần là các cầu thủ Anh và Xứ Wales.
Thủ quân của tuyển Vương quốc Anh là Ryan Giggs cùng các ngôi sao như Daniel Sturridge, Aaron Ramsey hay Micah Richards...
Trong thời gian diễn ra Olympic 2012, nhiều cầu thủ Vương quốc Anh bày tỏ nguyện vọng được dự Thế vận hội đều đặn trong tương lai. Tuy nhiên, lãnh đạo FA không mặn mà với điều này. Một kế hoạch thực tế cũng được đưa ra nhưng các liên đoàn của Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland lại từ chối.
Điều này kéo theo việc bóng đá Anh không có mặt tại Olympic Rio de Janiero 2016 và Tokyo 2020 bất chấp việc bóng đá trẻ Anh đã có những bước vũ bão trong các năm qua với đại diện là Phil Foden, Mason Mount, Mason Greenwood...
Tính đến lúc này, người Anh đã cử đội hình bóng đá nam tham dự 10 trong 27 kỳ Thế vận hội, số lượng khá khiêm tốn so với trình độ và danh tiếng của họ.
Trong quá khứ, sự bảo thủ trong việc o bế các cầu thủ nghiệp dư là điều khiến người Anh liên tục thất bại tại sân chơi Olympic. Ngày nay, mâu thuẫn giữa Anh, Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland khiến họ bỏ qua cơ hội thi đấu ở sân chơi thể thao danh giá.
Với riêng bóng đá Anh, việc chỉ là điểm mờ ở đấu trường Olympic là điều buồn cho nền túc cầu luôn tự nhận giàu truyền thống này. Tại Olympic 2020, Vương quốc Anh gạt bỏ mâu thuẫn để cử đội bóng đá nữ tham dự.
Song rõ ràng, nếu Harry Kane, Phil Foden, Mason Mount hoặc ít nhất James Maddison, Mason Greenwood của ngày nay, hay David Beckham, Steven Gerrard, Wayne Rooney, Frank Lampard của quá khứ có mặt ở sân chơi Olympic, màu sắc của bóng đá Anh sẽ nổi trội hơn nhiều.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/rac-roi-kim-ham-bong-da-anh-tai-olympic-post1241536.html