Rắc rối lớn của xe điện: Xe cũ mất giá quá nhanh, hàng triệu chiếc không biết đi đâu về đâu trong năm 2024
Ngành công nghiệp ô tô điện đang lúng túng tìm cách xử lý tốt nhất với những chiếc xe cũ...
Việc chuyển đổi, từ bỏ sử dụng ô tô có động cơ đốt trong đang gặp phải một trở ngại mới: Các tài xế không muốn mua xe điện đã qua sử dụng và điều đó cũng đang làm suy yếu thị trường xe điện.
PHẾ THẢI
Trong thị trường xe cũ trị giá 1,2 nghìn tỷ USD, giá xe chạy bằng pin đang giảm nhanh hơn so với xe chạy bằng động cơ đốt trong. Người mua không mặn mà với những dòng xe này do thiếu trợ cấp, mong muốn chờ đợi công nghệ tốt hơn và cơ sở hạ tầng sạc tiếp tục thiếu hụt.
Cuộc chiến giá khốc liệt do Tesla gây ra cũng như việc các mẫu xe cạnh tranh của Trung Quốc liên tiếp tung ra thị trường đang làm giảm giá trị của ô tô mới cũng như đã qua sử dụng, đe dọa lợi nhuận của các đối thủ như Volkswagen AG và Stellantis NV.
Do hầu hết các loại xe mới ở châu Âu đều được bán thông qua hợp đồng thuê, các nhà sản xuất ô tô và đại lý tài trợ cho các giao dịch này đang cố gắng bù đắp khoản lỗ do định giá giảm mạnh bằng cách tăng chi phí đi vay.
Điều đó đang đánh vào nhu cầu ở một số thị trường châu Âu đang đi đầu trong việc chuyển đổi khỏi động cơ chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Một số người mua ô tô mới lớn nhất, bao gồm cả các công ty cho thuê, đang cắt giảm việc sử dụng xe điện vì họ đang chịu thua lỗ khi bán lại, trong đó Sixt SE đã loại bỏ các mẫu xe Tesla khỏi đội xe của mình.
Christian Dahlheim, người đứng đầu bộ phận dịch vụ tài chính của VW cho biết: “Khi một chiếc ô tô mất đi 1% giá trị, lợi nhuận của tôi sẽ giảm đi 1%”. Ông cho biết, các vấn đề liên quan đến xe điện đã qua sử dụng có khả năng làm mất đi hàng tỷ euro doanh thu của toàn ngành.
Các vấn đề dự kiến sẽ nghiêm trọng hơn vào năm tới, khi nhiều trong số 1,2 triệu xe điện được bán ở châu Âu vào năm 2021 sẽ chấm dứt hợp đồng cho thuê 3 năm và tham gia vào thị trường xe cũ. Cách các công ty giải quyết vấn đề này sẽ là chìa khóa cho lợi nhuận của họ, niềm tin của người tiêu dùng và cuối cùng là quá trình khử cacbon.
Matt Harrison, giám đốc điều hành của Toyota Motor Corp. tại châu Âu cho biết: “Nhu cầu về xe điện đã qua sử dụng không còn nữa. Điều đó thực sự gây tổn hại đến câu chuyện chi phí sở hữu”.
Các công ty có thể đưa ô tô chạy bằng pin vào các dịch vụ di chuyển và khởi nghiệp về chia sẻ chuyến đi, nhưng nhu cầu từ các doanh nghiệp này rất hạn chế. Những chiếc xe cũ này thường được đưa đến Châu Phi, nơi thường chứng kiến tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Trong khi đó, các thị trường này phần lớn đóng cửa đối với xe điện vì không có cơ sở hạ tầng khả thi cho việc sạc.
Trung Quốc là một ví dụ cảnh báo đáng lưu tâm. Khoảng một thập kỷ trước, với những chính sách hỗ trợ của chính phủ, hàng trăm hãng xe tại Trung Quốc, cả những hãng lâu đời lẫn start-up, ganh đua nhau sản xuất xe điện. Những chiếc xe điện đời đầu được sản xuất ồ ạt, nhưng lại là những chiếc rất cơ bản khi so với tiêu chuẩn ngày nay - đi được khoảng 100km mỗi lần sạc.
“Nhu cầu về xe điện đã qua sử dụng không còn nữa. Điều đó thực sự gây tổn hại đến câu chuyện chi phí sở hữu”.
Những chiếc xe đó chủ yếu được các công ty cho thuê xe mua lại, rồi lại cho các tài xế thuê về. Theo nhà phân tích cấp cao Young Huang tại JSC Automotive - đơn vị tư vấn có văn phòng ở Thượng Hải, Trung Quốc và Stuttgart, Đức, thì: "Ở thời kỳ đầu của thị trường xe điện Trung Quốc, doanh số bị ảnh hưởng nhiều bởi đội xe cho thuê. Chỉ một số ít người tiêu dùng thực sự bỏ tiền để mua".
Tuy nhiên, ngành xe phát triển thần tốc cũng để lại nhiều hậu quả và những bãi xe điện khổng lồ bỏ hoang là một trong những hậu quả đó. Việc xe điện bị vứt đi quá sớm cũng khiến lợi ích về môi trường của chúng trở thành vô nghĩa; đó là còn chưa kể tới việc để sản xuất xe điện thì cũng gây tổn hại tới môi trường, và chỉ vài năm gần đây mới thân thiện môi trường hơn so với sản xuất xe sử dụng động cơ đốt trong.
Bất kỳ những rắc rối tương tự nào ở châu Âu hoặc Mỹ cũng có thể củng cố lời kêu gọi từ các chính trị gia bảo thủ nhằm rút lại viện trợ cho ngành. Đặc biệt là khi các cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra ở Mỹ và châu Âu vào năm 2024.
NHỮNG CẢNH BÁO
Các dấu hiệu cảnh báo xung quanh xe điện đã xuất hiện vào đầu năm nay khi Tesla bắt đầu mạnh tay giảm giá nhằm nỗ lực thúc đẩy doanh số bán hàng. Điều đó đã gây ra một cuộc chiến về giá khi các nhà sản xuất khác làm theo, làm giảm lợi nhuận của một số công ty và đẩy những khoản lỗ vốn đã nặng nề của những công ty khác xuống sâu hơn nữa.
Chưa kể, sức hút của xe điện đã giảm thấy rõ. Trong quý 3/2023, các xe chạy bằng pin chiếm 8% trong tổng số xe ô tô bán ra. Cho đến nay, có ít hơn 1 triệu chiếc xe điện (không tính các loại xe hybrid) được bán tại Mỹ, ít hơn một chút so với ở châu Âu. Trong khi đó, những người lái xe ở Trung Quốc mua gần gấp bốn lần con số kể trên.
Trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9, General Motors (GM) chỉ bán được 20.000 chiếc xe điện trên thị trường trong nước, so với hơn 600.000 chiếc xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Đến nay, đã có đến 92 ngày xe điện đang chờ bán tại các đại lý, so với 54 ngày của các loại xe tiêu thụ nhiên liệu khác. Ngoại trừ California, Florida và Texas, cùng chiếm hơn một nửa đăng ký xe điện tại Mỹ, xe ô tô điện chủ yếu vẫn còn là một điều kỳ lạ.
Theo dữ liệu bán hàng từ iSeeCars.com, một trang web xếp hạng ô tô và đại lý, giá xe điện đã qua sử dụng đã giảm khoảng 1/3 trong năm tính đến tháng 10, so với mức giảm chỉ 5% trên toàn thị trường đã qua sử dụng. Nhóm này cho biết, xe điện đã qua sử dụng mất nhiều thời gian để bán hơn so với các mẫu xe chạy xăng ngay cả sau khi giảm giá đáng kể.
Tại Đức, thị trường ô tô lớn nhất châu Âu, hầu hết các loại xe mới lần đầu tiên được bán dưới dạng xe công ty cho thuê, sau đó tái gia nhập thị trường xe cũ tư nhân từ một đến ba năm sau đó. Nhưng với lượng đơn đặt hàng ngay cả đối với xe điện mới đang chậm lại, ngày càng có nhiều mẫu xe đã qua sử dụng tồn tại lâu hơn 90 ngày, nghĩa là chúng đã trở thành “hàng tồn kho rủi ro”, theo nhà nghiên cứu thị trường Deutsche Automobile Treuhand.
Dirk Weddigen von Knapp, người đứng đầu nhóm đại diện cho các đại lý của VW và Audi cho biết: “Người ta phải giảm giá đáng kể chỉ để thu hút khách hàng quan tâm đến xe điện”.
Một phần của vấn đề là ngành công nghiệp này đang lần đầu tiên xử lý xe điện đã qua sử dụng. Weddigen von Knapp cho biết, mặc dù ô tô động cơ đốt trong có thể nhanh chóng được đánh giá thông qua tuổi và quãng đường đã đi, nhưng không có thử nghiệm nào được sử dụng rộng rãi để xác định chất lượng của pin. Theo BloombergNEF, pin chiếm khoảng 30% giá trị của xe điện, tỷ trọng này dự kiến sẽ giảm trong những năm tới.
Mặc dù xe điện đã chứng minh được tính khả dụng của mình sau nhiều năm ra mắt, đồng thời các dòng ô tô cũ của Tesla cũng cho thấy tính bền vững của mình. Tuy nhiên phần lớn người mua xe điện cũ của Tesla là do tin tưởng vào uy tín của thương hiệu này cũng như Elon Musk.
Xe Tesla có thể bán nhanh chóng trên thị trường đồ cũ nhờ danh tiếng của thương hiệu này với tư cách là thương hiệu dẫn đầu về công nghệ và các bản cập nhật phần mềm không dây thường xuyên. Chiếc xe điện i3 độc đáo BMW AG được giới thiệu cách đây một thập kỷ thậm chí còn thu hút được một lượng lớn người theo dõi.
Tuy nhiên, hầu hết người tiêu dùng vẫn dè dặt khi mua xe điện đã qua sử dụng. Các nhà sản xuất đang nghiên cứu các công nghệ pin mới, bao gồm cả pin thể rắn, hứa hẹn mang lại những chiếc xe rẻ hơn với phạm vi hoạt động dài hơn và sạc nhanh hơn. Những tập đoàn như Mercedes-Benz Group AG và BMW đã công bố kế hoạch giới thiệu một số mẫu xe điện thế hệ tiếp theo vào khoảng giữa thập kỷ này, trong khi Volkswagen, Stellantis và Renault đang phát triển các mẫu xe có giá từ 25.000 euro trở xuống.
Ayvens, một công ty quản lý đội xe xử lý khoảng 3,5 triệu phương tiện, cho biết sự không chắc chắn xung quanh công nghệ xe điện sẽ thuyết phục nhiều khách hàng thuê hơn là mua - đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ sở hữu ô tô sang lái xe có tính phí.
Annie Pin, giám đốc thương mại của Ayvens cho biết: “Xe điện là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi quyền sở hữu sang quyền sử dụng”.