Rắc rối vì bản án ghi tên gọi khác tên thật

Bà Trang khiếu nại việc bị phong tỏa tài sản vì bà không có tên trong bản án; còn theo cơ quan thi hành án thì bà và người được nêu trong bản án là một người.

Bà Nguyễn Thị Diễm Trang (sinh năm 1976, ngụ xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) phản ánh: Bà không có tên trong Bản án dân sự số 12/DS-ST ngày 19-11-2004 của TAND huyện Giồng Trôm (gọi tắt là Bản án số 12); bản án này cũng không buộc bà có trách nhiệm liên đới bồi thường.

Tuy nhiên, ngày 25-2-2022, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Giồng Trôm ban hành quyết định ngăn chặn việc giao dịch, chuyển nhượng đối với hai thửa đất của bà nhằm đảm bảo cho việc thi hành Bản án số 12.

Bị kê biên tài sản để bồi thường

Tại Bản án số 12, TAND huyện Giồng Trôm tuyên buộc ông Lê Thành Phuông (sinh năm 1972) và bà Nguyễn Thị Cẩm Quyên (sinh năm 1976, cùng ngụ xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm) liên đới trả cho ông Văn Diễu Chương (ngụ TP Bến Tre) hơn 766 triệu đồng.

 Bà Nguyễn Thị Diễm Trang khẳng định bà không phải là Nguyễn Thị Cẩm Quyên, người phải thi hành Bản án số 12. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Bà Nguyễn Thị Diễm Trang khẳng định bà không phải là Nguyễn Thị Cẩm Quyên, người phải thi hành Bản án số 12. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Bà Trang cho biết ông Phuông và bà đã ly hôn vào năm 2013. Bà Trang khẳng định bà chỉ có tên duy nhất là Nguyễn Thị Diễm Trang. Bà được cấp CMND lần đầu vào năm 1991 với họ tên đầy đủ là Nguyễn Thị Diễm Trang, không có tên gọi khác.

“CMND này được tôi sử dụng qua nhiều lần cấp đổi, đến nay là CCCD với họ tên của tôi là Nguyễn Thị Diễm Trang. Họ tên thể hiện trên các giấy tờ tùy thân khác xưa giờ cũng không thay đổi. Tôi cũng chưa từng thực hiện cải chính hộ tịch, chưa từng thay đổi tên họ. Trong Bản án số 12, TAND huyện Giồng Trôm không buộc tôi THA. Tôi hoàn toàn không biết gì về bản án này. Năm 2004, thời điểm tòa xét xử vụ án, tôi không được triệu tập tham gia phiên tòa. Tôi cũng không nhận được bản án cùng với những quyết định có liên quan đến tôi ” - bà Trang nói.

Bà Trang nêu rằng trong các giấy tờ như CMND (năm 1991), hộ khẩu (năm 1995) và giấy chứng nhận kết hôn với ông Phuông (năm 1998)…, bà đều có tên là Nguyễn Thị Diễm Trang. Bản án số 12 thì đến năm 2004 mới phát hành.

Hiện bà Trang có đơn khiếu nại việc Chi cục THADS huyện ban hành quyết định phong tỏa tài sản của bà để đảm bảo THA cho Bản án số 12 là không có căn cứ và ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của bà.

THA yêu cầu tòa đính chính nhưng không được

Ngày 29-5, trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Trung, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Giồng Trôm, cho biết: Năm 2004, Đội THADS huyện Giồng Trôm (nay là Chi cục THADS huyện) tổ chức thi hành bản án theo đơn yêu cầu của người được THA là ông Văn Diễu Chương. Tuy nhiên thời điểm này, ông Phuông và bà Quyên chưa có điều kiện THA.

Ngày 25-1-2021, ông Chương tiếp tục có đơn yêu cầu THA. Đồng thời, ông Chương còn yêu cầu ngăn chặn, xử lý tài sản của bà Nguyễn Thị Cẩm Quyên (còn có tên gọi khác là Nguyễn Thị Diễm Trang) đều là một người và là vợ (cũ) của ông Phuông.

Quá trình xác minh tại bản khai nhân khẩu ngày 21-3-2005 lưu trữ tại tàng thư công an huyện do bà Trang tự khai, bà còn có tên gọi khác là Nguyễn Thị Cẩm Quyên. Và trong bản án xác định bà Quyên và ông Phuông là “vợ chồng”. Dựa trên các căn cứ này, cơ quan THADS xác định bà Trang và bà Quyên là một người nhưng có hai tên. Nhằm đảm bảo thực hiện các thủ tục THA tiếp theo đúng quy định, cơ quan THADS huyện đã ngăn chặn giao dịch dân sự đối với tài sản của bà Trang.

Cơ quan THADS huyện hai lần có văn bản đề nghị tòa đính chính Bản án số 12 sửa tên bị đơn từ Nguyễn Thị Cẩm Quyên thành Nguyễn Thị Diễm Trang để cơ quan THADS có cơ sở giải quyết THA. Tuy nhiên, tòa trả lời không có căn cứ để đính chính.

Hiện ông Phuông không còn cư trú tại địa phương, chưa rõ nơi cư trú mới. Cơ quan THADS chưa thể làm rõ một số nội dung cần xác minh nên ảnh hưởng đến quá trình tổ chức THA, cũng như giải quyết khiếu nại của bà Trang.

Nếu bà Trang là bà Quyên thì sao?

Trường hợp khi THA mà có những điểm còn chưa rõ thì theo Điều 268 và Điều 486 BLTTDS 2015, tòa sẽ giải thích bản án. Tuy nhiên, nếu bà Quyên và bà Trang là cùng một người như xác minh của cơ quan THADS thì đây là sai sót liên quan trực tiếp đến một chủ thể có tư cách tố tụng trong vụ án (bị đơn). Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích và hậu quả pháp lý của đương sự nên không thể thực hiện theo thủ tục sửa đổi, bổ sung.

Do án đã có hiệu lực và có nhầm lẫn, sai sót về chủ thể phải THA nên để giải quyết được thì bằng những tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình xác minh, cơ quan THADS có thể kiến nghị tới chánh án TAND Cấp cao, viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án.

Luật sư ĐỖ THANH TRUNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

HỮU ĐĂNG ghi

ĐÔNG HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/rac-roi-vi-ban-an-ghi-ten-goi-khac-ten-that-post735991.html