Rắc rối xử lý chuyện nợ nần

Nhiều vụ tranh chấp tài sản hay vụ án hình sự bắt nguồn từ những giao dịch vay - trả nợ khiến cơ quan chức năng lâm vào thế khó

Thua kiện kéo theo nguy cơ mất nhà, ông Lưu Minh Châu (ngụ quận Tân Phú, TP HCM) vừa gửi đơn kêu cứu đến nhiều nơi. Trong vụ kiện "Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà và hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở", xảy ra từ năm 2010 mà ông Châu là bị đơn, những rắc rối trong vay mượn nợ nảy sinh từ cách đây… 20 năm.

Tranh chấp dân sự dai dẳng

Năm 2000, ông Châu thiếu nợ ông Vũ Thành Tín (ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) 102 triệu đồng tiền mua bán nước đá. Để cấn trừ nợ, ông Châu viết giấy bán một căn nhà, giao hết giấy tờ nhà cho ông Tín. Người cho vay viết giấy cam kết trong thời hạn 2 năm, nếu người vay trả hết nợ thì sẽ trả lại căn nhà. Đến năm 2001, ông Tín âm thầm làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở căn nhà trên. Có giấy tờ, ông Tín yêu cầu ông Châu giao nhà. Tuy nhiên, gia đình ông Châu không chấp nhận. Ông Châu giải thích: "Tôi không bán nhà. Tôi ký giấy bán nhà chỉ với mục đích làm tin việc vay nợ".

Vì vậy, ông Tín khởi kiện, đề nghị tòa án buộc ông Châu dọn ra khỏi căn nhà. Phía nguyên đơn nói rằng giao dịch dân sự mua bán nhà giữa hai bên là giao dịch có điều kiện. Hai bên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự khi thực hiện giao dịch. Bị đơn phản bác giấy bán nhà không có công chứng, chứng thực.

Vụ kiện kéo dài từ năm 2010. Đến cuối năm 2019, TAND TP HCM buộc bị đơn giao nhà. Không đồng tình, ông Châu kháng cáo. Kết quả, tòa phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.

Theo thẩm phán Lê Ngọc Tường, chủ tọa phiên xử sơ thẩm, nguyên đơn không xuất trình chứng cứ chứng minh lời giải thích về việc chỉ viết giấy bán nhà để làm tin vay nợ. Thêm vào đó, phía nguyên đơn khẳng định không có việc bị đơn có trả nợ mà nguyên đơn không nhận. Do đó, HĐXX không có căn cứ chấp thuận lập luận của bị đơn.

Bị cáo Ngô Minh Chiến ra tòa về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

Bị cáo Ngô Minh Chiến ra tòa về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

Án hình sự có 11 lần trả hồ sơ

Cũng từ mâu thuẫn trong giao dịch vay - trả nợ, không ít đương sự trở thành bị can, bị cáo trong vụ án hình sự kéo dài nhiều năm vì chứng cứ buộc tội thiếu "sức nặng".

Từ năm 2014 đến nay, cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bình Phước chưa giải quyết xong vụ án bà Ngô Minh Chiến (quê tỉnh Thái Bình) lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 2,9 tỉ đồng. Năm 2010, bà Chiến ký hợp đồng vay của ông N.V.T 9 tỉ đồng, lãi suất 2%/tháng. Hai năm sau, bà còn nợ tổng cộng 2,9 tỉ đồng. Tháng 11-2013, ông T. tố cáo bà Chiến chiếm đoạt số tiền trên. Tại cơ quan công an, bà Chiến thừa nhận việc vay nợ, đồng thời nói bà không hề có ý định trốn nợ. Đến năm 2014, Công an tỉnh Bình Phước khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" đối với bà Ngô Minh Chiến. Từ đó đến nay, bà Chiến liên tục kêu oan. Bà cho rằng đây chỉ là quan hệ giao dịch dân sự nhưng đã bị hình sự hóa.

Sau 11 lần trả hồ sơ, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. HĐXX triệu tập điều tra viên, kiểm sát viên trong quá trình xét xử. Khẳng định hồ sơ vụ án đủ chứng cứ buộc tội, người thừa hành quyền công tố đề nghị HĐXX phạt bị cáo từ 12-13 năm tù về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Thừa nhận vụ án có vi phạm tố tụng, đại diện VKSND tỉnh Bình Phước lý giải bị cáo khai bất nhất, nhỏ giọt. Vì thận trọng nên cơ quan tiến hành tố tụng phải trả hồ sơ nhiều lần để xác minh lời khai, từ đó dẫn đến vi phạm tố tụng.

Tại tòa, bị cáo thừa nhận có nợ bị hại 4,8 tỉ đồng. Bị cáo muốn thỏa thuận việc trả nợ với bị hại nhưng không thành. Luật sư bào chữa đưa ra 31 vấn đề cần "mổ xẻ" trong vụ án. "Pháp luật nêu rõ bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh hành vi phạm tội. Việc này thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng" - luật sư lập luận.

Dự kiến, TAND tỉnh Bình Phước tuyên án trong ngày 15-10-2020.

Hai vụ việc kể trên tiêu biểu về những rắc rối phát sinh từ mâu thuẫn vay - trả nợ khiến cơ quan chức năng khó xử, đau đầu mà nếu không thận trọng, khách quan rất dễ xảy ra oan sai.

Cẩn thận khi cam kết, thỏa thuận vay nợ

Luật sư Nguyễn Giang Lâm (nghiên cứu sinh tại Đức) cho biết không ít vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản bắt nguồn từ giao dịch vay nợ, hợp tác kinh doanh gần như rơi vào bế tắc khi cơ quan chức năng không tìm đủ chứng cứ buộc tội, tòa án trả hồ sơ nhiều lần. Tình trạng hình sự hóa quan hệ dân sự trong sự việc liên quan đến mâu thuẫn vay - trả nợ diễn ra khá phổ biến trước khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP (ngày 29-5-2020), chỉ đạo các địa phương không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự.

Đối với tranh chấp dân sự, luật sư khuyến cáo: "Người dân cần thận trọng khi viết giấy gán nợ, làm tin. Tòa án căn cứ nội dung thể hiện rõ trên giấy tờ hợp pháp chứ không thể phán quyết dựa vào lời nói của đương sự, nhất là lời nói đó không thống nhất với lời khai các bên, lại không có chứng cứ chứng minh".

Bài và ảnh: Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/rac-roi-xu-ly-chuyen-no-nan-20201014215638597.htm