Rác thải bủa vây bãi biển Cam Ranh
Thay vì là một bở biển xanh, cát trắng tuyệt đẹp thì giờ đây bờ biển ở thôn Bình Lập, xã Cam Lập, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa lại là bờ biển xanh màu lưới cũ, trắng đen màu vỏ hàu, rác thải nhựa, bốc mùi hôi thối.
Cụ thể, rác thải đang bủa vây bờ biển ở thôn Bình Lập đến từ hàng trăm lồng nuôi tôm hùm. Bởi ở đây, hàng ngày có khoảng 50 đến 100 lồng nuôi tôm hùm được các chủ vựa kéo vào bờ rồi thuê người vệ sinh, đan và thay lưới mới. Sẽ không có gì đáng nói nếu như sau khi vệ sinh và thay lưới những lồng nuôi được làm mới nhưng để lại cho bờ biển vốn từng xanh - sạch - đẹp này các chất thải như: vỏ hàu, ốc, rác nhựa, lưới…
Đề rồi ngày qua ngày, rác thải cứ thế được nhân lên, tích tụ và tập kết dọc cả 1 km bãi biển Bình Lập, thay mùi vị của biển bằng những mùi hôi thối nồng nặc, nhất là vào giữa trưa. Những tấm lưới mùng thì sau thời gian hóa màu đen kịt, đáng sợ hơn bất cứ động vật, con người tiếp xúc với loại lưới này đều bị mẩn đỏ, ngứa toàn thân. Để rồi bãi biển nay lại được ví như “bãi rác”.
Theo người dân địa phương, hơn 3 năm trở lại đây, rác thải nhựa từ lồng bè nuôi tôm hùm bủa vây đường bờ biển. Rác thải từ các lồng bè không những không được dọn dẹp mà còn vứt la liệt trên bờ tạo thành các gò cao trên cát, lưới bám đầy các rác thải mắc kẹt ở các khe đá, trôi lềnh bềnh trong làn nước biển trong xanh và vương vãi khắp nơi dần trở thành hình ảnh quen thuộc. Một số người còn đổ thẳng dưới xuống biển, để cuối cùng chúng lại trôi dạt vào bờ.
Thậm chí, người dân ở đây cho biết họ ngại tắm biển hoặc nếu tắm phải chọn thời điểm nước lặng để đi tắm vì biển động sẽ làm chất bẩn lắng dưới đáy trồi lên, gây ngứa ngáy "Từ khi nơi này bị rác bao vây, ít người ra tắm vì sợ nước bẩn gây ngứa ngáy, viêm da", người dân địa phương nói.
Ông Lê Ngọc Thạch - Chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh đánh giá, bờ biển ô nhiễm xuất phát từ việc một số người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, việc nuôi trồng thủy sản gần bờ là nuôi tự phát không nằm trong vùng quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy sản ven bờ của vịnh Cam Ranh cũng như quy hoạch chung tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2030.
Để giải quyết việc ô nhiễm hiện tại và không để kéo dài, địa phương đã thuê người thu gom, đồng thời rà soát các trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm. Lúc rác nhiều xã phải ký hợp đồng với công ty môi trường đưa máy móc đến xử lý.
Đặc biệt, Viện nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản III cũng đã có đề án hỗ trợ sinh kế cho người dân nuôi lồng bè gần biển, chuyển đổi nghề, bố trí việc làm cho người dân. Và nhất là, "Chính quyền định hướng người dân chuyển đổi hình thức từ nuôi trồng truyền thống sang áp dụng nuôi công nghệ cao là lồng HDPE, vừa có thể giảm ô nhiễm môi trường lại đảm đảm bảo lợi nhuận và hiệu quả kinh tế. ", ông Thạch cho biết thêm.
Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/rac-thai-bua-vay-bai-bien-cam-ranh-81726.html