Rác thải bủa vây nhiều tuyến đường huyết mạch tại TP Thanh Hóa
Thời gian qua, 'vấn nạn' rác thải xây dựng, sinh hoạt được vứt bỏ, tập kết cạnh một số tuyến đường huyết mạch tại TP Thanh Hóa đã làm mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, gây 'nhức nhối' trong dư luận địa phương. Thậm chí có 'bãi rác' rộng hàng nghìn mét vuông ngay trung tâm TP Thanh Hóa khiến hình ảnh thành phố xanh, sạch, đẹp bị 'méo mó' trong mắt nhiều người dân và du khách mỗi khi đi qua đây.
Rác thải "ngập tràn" TP Thanh Hóa
Từ sáng sớm, đại lộ Lê Lợi – tuyến đường được mệnh danh đẹp nhất Thanh Hóa đã đông đúc, nhộn nhịp bởi lưu lượng xe cộ dày đặc và người dân tập thể dục. Đây còn là tuyến đường có nhiều cửa hàng, quán xá ăn uống, vui chơi của người dân địa phương và du khách khi đến với thành phố này.
Tuy nhiên, đứng từ xa cũng dễ dàng nhận ra sự hiện diện của "bãi rác" rộng hàng nghìn mét vuông ngay nút giao của đại lộ này với đại lộ Hùng Vương. Tại đây, đủ loại rác thải được chất cao ngang đầu người lớn, vương vãi khắp nơi, bốc mùi hôi thối cách xa cả trăm mét vẫn ngửi thấy.
Với nhiều người dân địa phương, du khách khi chứng kiến những hình ảnh này đã không khỏi thất vọng về hình ảnh một thành phố xanh, sạch, đẹp mà Thanh Hóa xây dựng.
Ông Nguyễn Văn P., một xe ôm hành nghề tại tuyến đường này hơn 4 năm cho hay: "Bãi rác này là họ đổ trộm cả đêm lẫn ngày, không có giờ giấc cụ thể. Những hôm trời nắng, họ đổ rác làm bụi mù mịt cả khu vực. Còn hôm trời mưa thì bùn đất theo bánh xe từ trong bãi rác này ra bám hết vào đường Hùng Vương, có người đi vào vệt đất trơn trượt đó ngã rồi đấy.
Ngoài ra, mùi hôi thối của bãi rác còn ảnh hưởng trong bán kính khoảng 100 mét. Tôi chỉ mong chính quyền làm mạnh tay, ra quân xử phạt thật nặng cho họ hết đổ rác trộm. Thành phố phải sạch sẽ, trong lành thì mới phát triển được chứ."
Cách "bãi rác" này khoảng chừng 1 km, trên tuyến đường chánh cắt qua phường Quảng Hưng cũng có một điểm tập kết rác thải xây dựng với diện tích hàng nghìn mét vuông, gây bức xúc cho người dân khu vực này thời gian qua.
Anh L.V.T., một chủ quán ăn ngay cạnh bãi rác cho biết: "Bãi rác này họ đã tập kết ở đây nhiều tháng qua. Do chỉ cách quán của tôi chưa đầy 10 mét nên mỗi khi họ đổ thải thì bụi mù mịt bay hết vào quán, bám lên bàn, ghế, bát, đĩa…, chưa nói đến mùi hôi thối cũng theo đó mà tràn vào. Từ khi có bãi rác ở đây, do bụi bặm, hôi thối nên quán tôi ít khách hẳn".
Dọc tuyến Quốc lộ 47 – "tuyến đường du lịch" nối TP Thanh Hóa với TP Sầm Sơn, đoạn qua khu công nghiệp Lễ Môn cũng không khó bắt gặp những "núi rác", nơi đây là địa điểm "lý tưởng" của những chiếc xe đổ trộm phế thải xây dựng. Bởi cung đường này có hành lang rộng rãi, không có dân cư sinh sống phía đối diện, bên cạnh chỉ là các cơ sở sản xuất của các công ty, doanh nghiệp tại khu công nghiệp.
Không riêng các tuyến đường huyết mạch, "tuyến đường du lịch" mà các tuyến đường ở khu dân cư, trường học cũng chịu chung cảnh rác thải không được thu gom, thậm chí có những nơi rác bị đốt tại chỗ. Đường Trịnh Kiểm và khu dân cư cạnh trường Liên Cấp Newton TH trên địa bàn phường Quảng Thành có 2 điểm tập kết rác dân sinh đốt ngay tại chỗ; có chỗ đốt ngay cạnh các xe gom rác, để lại những đám xỉ than đen sì ngay trên lòng đường giao thông. Điều này không những làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị mà còn gây mất an toàn giao thông.
Cần xử lý nghiêm hành vi đổ trộm, đốt trộm phế thải
Trao đổi với PV về tình trạng rác thải bị tồn đọng, đốt trộm ở một số điểm tại TP Thanh Hóa, ông Hồ Viết Lân, Giám đốc Công ty CP môi trường và công trình đô thị Thanh Hóa – đơn vị ký hợp đồng trọn gói việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác với UBND TP Thanh Hóa cho biết: "Đem rác về chỗ tập kết của các xe gom rồi đốt thì công nhân của chúng tôi không làm. Nếu có chuyện đó là tôi sẽ cho nghỉ việc ngay. Hiện nay, công ty chỉ thu gom xong chở lên bãi rác Đông Nam rồi chôn lấp vệ sinh trên đấy".
Khi kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, nhu cầu sửa chữa, xây dựng các công trình là rất lớn, các loại phế thải xây dựng vì thế mà gia tăng. Điều đáng nói, có những gia đình, nhà thầu thi công không muốn bỏ tiền cho những chi phí này hoặc những cá nhân, đơn vị vận chuyển phế thải ngại đến bãi tập kết theo quy định nên đã xảy ra tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng ở những bãi đất trống, cạnh đường giao thông, khu dân cư… gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, bụi bặm và mất mỹ quan đô thị.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ gia đình, cá nhân khi cải tạo, xây mới công trình có phương án xử lý, vận chuyển phế thải đến đúng nơi quy định; đồng thời, xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm, thông báo đến các khu dân cư, tạo sự răn đe đối với nhiều người nói chung, từ đó lan tỏa ý thức, trách nhiệm và vai trò giám sát của mỗi người trong công tác bảo vệ môi trường, tránh tình trạng đổ trộm, đốt trộm phế thải xây dựng bừa bãi như hiện nay.