Rác thải đe dọa loài rùa khổng lồ Galapagos
Ngày 8/11, Quỹ Charles Darwin công bố nghiên cứu cho thấy những con rùa khổng lồ Galapagos vốn đang có nguy cơ tuyệt chủng vẫn tiếp tục nuốt phải nhựa và các loại rác khác do con người xả ra môi trường dù đã có lệnh cấm đồ nhựa dùng một lần ở quần đảo Galapagos của Ecuador.
Theo nghiên cứu của Quỹ Charles Darwin - tổ chức bảo tồn thiên nhiên ở Galapagos, những con rùa thuộc loài Chelonoidis porteri đang ăn phải nhựa quanh các trung tâm đô thị trên đảo Santa Cruz thuộc Vườn quốc gia Galapagos. Kể từ năm 2015, nhà chức trách đã cấm sử dụng các đồ nhựa dùng một lần như ống hút và túi nhựa ở Galapagos nhưng thực tế việc triển khai thực hiện quy định còn lỏng lẻo.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích 5.500 mẫu chất thải của rùa ở những khu vực có tiếp xúc với hoạt động của con người và tìm thấy 597 mảnh rác thải - chủ yếu là nhựa nhưng cũng có thủy tinh, kim loại, giấy, bìa cứng và vải. Trong khi đó, trong số 1.000 mẫu chất thải của rùa được thu thập từ các khu bảo tồn ở Vườn quốc gia Galapagos, các nhà khoa học chỉ phát hiện 2 mảnh rác loại này.
Tác giả chính của nghiên cứu Karina Ramon cho biết những con rùa khổng lồ này cần 28 ngày để tiêu hóa thức ăn. Các nhà khoa học lo ngại rùa ăn phải chất thải phi hữu cơ có thể bị tắc nghẽn đường ruột, tổn thương và thay đổi nội tiết tố do các thành phần hóa học.
Đồng tác giả Santiago Ron cho biết nghiên cứu này chứng minh rằng việc bảo vệ công viên quốc gia là cần thiết đối với sự phát triển của các loài đặc hữu. Trong số 15 loài rùa khổng lồ từng sống ở Galapagos, có 3 loài hiện đã tuyệt chủng.
Quần đảo Galapagos, cách bờ biển Ecuador khoảng 1.000 km có hệ sinh thái độc đáo, không giống với nơi nào khác trên thế giới. Vào thế kỷ IXX, nhà khoa học người Anh Charles Darwin sau khi quan sát thiên nhiên kỳ diệu của khu vực này đã phát triển thuyết tiến hóa nổi tiếng về sự chọn lọc của tự nhiên.