Rác thải điện tử - Vấn đề mới của xã hội hiện đại: 10 cách đơn giản để giảm thiểu
Khoảng 6,9 triệu tấn rác thải điện tử đã được sản xuất chỉ riêng ở Mỹ trong năm 2019. Nó có trọng lượng tương đương với 19 tòa nhà Empire State.
Công nghệ đã phát triển nhanh chóng trong vài thập kỷ qua đến nỗi ngày nay khó có thể hình dung thế giới sẽ ra sao nếu không có điện thoại thông minh, bản đồ GPS, máy tính xách tay và các thiết bị điện tử khác.
Đồng thời, số lượng đồ điện tử đã qua sử dụng bị vứt bỏ tăng vọt đã khiến các nhà hoạt động môi trường, thậm chí cả Liên Hiệp Quốc đặt ra câu hỏi nghiêm túc về cách giảm thiểu rác thải điện tử. Hiện nay số lượng điện thoại di động còn nhiều hơn dân số thế giới.
Theo thống kê của Gartner, gần 153 triệu điện thoại thông minh đã được bán ra vào năm 2019. Cũng theo Gartner, trong năm 2018 người dùng thường sử dụng điện thoại trong khoảng 2 năm sau đó đổi điện thoại mới, nhưng khoảng thời gian này có thể ngắn hơn khi mọi người háo hức nâng cấp lên điện thoại có hỗ trợ 5G.
Theo Global E-Waste Monitor - một nhóm chuyên theo dõi về rác thải điện tử, khoảng 6,9 triệu tấn rác thải điện tử đã được sản xuất chỉ riêng ở Mỹ trong năm 2019. Nó có trọng lượng tương đương với 19 tòa nhà Empire State.
Giải pháp rõ ràng cho vấn đề này là tái chế - lấy các bộ phận bên trong thiết bị điện tử, kể cả những bộ phận bị hỏng – để đưa vào các sản phẩm mới.
Theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, việc tái sử dụng kim loại quý và nhựa trong điện thoại di động cũ thay vì khai thác các vật liệu mới có thể tiết kiệm năng lượng tương đương với năng lượng cung cấp cho 24.000 ngôi nhà ở Hoa Kỳ trong một năm.
Tuy nhiên, trong số 6,9 triệu tấn rác thải điện tử ở Mỹ thì chỉ khoảng 15% được thu gom để tái chế. Một số khoáng chất và kim loại bị vứt bỏ cùng với chất thải điện tử rất độc hại.
Kyle Wiens, Giám đốc điều hành của hãng iFixit nói rằng các loại điện thoại thế hệ mới không dễ tái chế. “Chúng ta không có công nghệ để lấy một chiếc xe tải chứa đầy iPhone cũ, lột vỏ, nghiền nát chúng và tạo ra những chiếc iPhone mới từ chúng”.
John Shegerian, Giám đốc điều hành của ERI cho biết: “Điện thoại thông minh và máy tính bảng là một thách thức lớn. Nhiều thiết bị không còn được gắn bằng vít nữa; chúng được gắn bằng keo. Keo dán làm cho mọi thứ rất khó tháo rời và thu hồi vật liệu vì nó làm giảm giá trị của chính sản phẩm hàng hóa”.
Tỷ lệ tái chế đối với rác thải điện tử ở mức thấp là lý do tại sao những người ủng hộ tái chế đang làm những gì có thể để giáo dục mọi người về lợi ích kinh tế và môi trường của phương pháp này.
Có vẻ như các công ty công nghệ đang cố gắng tạo ra sản phẩm có trách nhiệm với môi trường. Đó là lý do tại sao Apple tuyên bố dòng iPhone 12 mới nhất của họ không có sạc trong hộp.
Tạo ra một chiếc điện thoại thông minh có độ bền sử dụng trong 4 đến 5 năm thay vì 2 năm sẽ mang lại một sự khác biệt rất lớn trong giảm thiểu rác thải điện tử. Apple, Samsung và Google phải làm nhiều hơn nữa để tránh cho trái đất bị ngập rác thải điện tử.
Đối với mỗi cá nhân, có những cách rất đơn giản mà tất cả chúng ta có thể thực hiện. Dưới đây là 10 gợi ý cho các bạn:
1. Hãy là một người tiêu dùng có trách nhiệm. Tìm hiểu kỹ càng về sản phẩm bạn sẽ mua. Hãy đảm bảo rằng đó là loại không dễ vỡ hoặc hư hỏng ngay sau khi mua. Nói cách khác, hãy tìm kiếm các sản phẩm có tuổi thọ cao hơn để bạn không cần phải thay thế nó trong vòng vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Đây vốn là một thực tế phổ biến trong ngành công nghiệp điện tử khi các công ty cố tình tạo ra các sản phẩm có tuổi thọ ngắn hơn để có thể quay vòng sản phẩm nhanh hơn, kiếm nhiều lợi nhuận hơn.
2. Tái sử dụng thường xuyên nhất có thể. Nếu bạn có các bộ phận và thiết bị vẫn hoạt động, hãy thử sửa chữa thiết bị điện tử trước khi mua thiết bị mới. Và nếu thiết bị đã quá thời hạn sửa chữa, thì hãy tái chế nó.
3. Tự học về thiết bị điện tử của bạn. Kiến thức là sức mạnh. Tìm hiểu về các nguyên liệu đang được sử dụng để sản xuất điện thoại di động hoặc máy tính xách tay của bạn, để có hiểu biết những nguyên liệu và chất độc đó có thể gây hại như thế nào nếu chúng bị vứt vào bãi rác. Bạn càng tự giáo dục bản thân, bạn càng có thể mua nhiều mặt hàng không gây hại cho môi trường.
4. Tìm nhãn hàng thân thiện với môi trường. Ví dụ xem các sản phẩm bạn mua có được dán nhãn Tiết kiệm Năng lượng hay được chứng nhận Bảo vệ Môi trường không.
5. Cân nhắc giới hạn số lượng thiết bị điện tử bạn sở hữu. Nếu bạn không thực sự cần một thiết bị mới, hãy tìm các thiết bị đa chức năng.
6. Dạy trẻ em về rác thải điện tử. Trẻ em là tương lai của chúng ta và sẽ rất hữu ích nếu chúng ta có thể truyền đạt cho chúng ngay từ khi còn nhỏ về việc cam kết tái chế chất thải điện tử.
7. Xử lý đúng cách. Bất kể bạn có gì, điều quan trọng là phải luôn xử lý rác thải điện tử của bạn đúng cách. Điều đó có nghĩa là tái chế tất cả các thiết bị điện tử đã qua sử dụng của bạn, với sự hiểu biết rằng việc xử lý rác thải điện tử không đúng cách đang ngày càng trở nên nguy hại hơn, đặc biệt là vì khối lượng rác thải điện tử đã tăng vọt.
8. Hiểu các vấn đề bảo mật. Tất cả thông tin cá nhân của bạn vẫn được lưu trữ trên các thiết bị điện tử của bạn ngay cả khi bạn xóa nó, vì vậy đó là một lý do khác để bạn không vứt chúng đi quá sớm.
9. Duy trì những gì bạn có. Những động thái nhỏ có thể giúp bạn bảo quản thiết bị lâu hơn. Vệ sinh máy tính thường xuyên và không sạc quá nhiều để có thể cải thiện tuổi thọ tổng thể của pin.
10. Lưu trữ dữ liệu trên máy chủ đám mây. Google Drive, OneDrive, Dropbox hoặc AWS là nơi tuyệt vời để sao lưu và đồng bộ hóa các file của bạn mà không cần phải mua sắm nhiều thiết bị lưu trữ.