Rác thải nhựa đại dương là nơi trú ngụ cho các loài sinh vật ven biển
Nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature Communications cho biết, các khối rác thải nhựa giữa đại dương đang trở thành nơi sinh sống nhân tạo của các sinh vật ven biển.
Được gọi là cộng đồng mới sống gần mặt biển, các bầy đàn sinh vật này đang phát triển ở khu vực Đảo rác Thái Bình Dương và lênh đênh theo dòng nước.
Theo đó, Đảo rác nổi giữa Thái Bình Dương bao gồm vô vàn mảnh nhựa và nhiều loại rác thải khác, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc Thái Bình Dương. Không ai có thể biết Đảo rác Thái Bình Dương được hình thành bởi bao nhiêu mảnh nhựa, bởi đó là một số lượng vô cùng lớn và không phải tất cả lượng rác thải đều trôi nổi trên bề mặt đại dương. Những bãi rác nhựa có thể chìm sâu hàng centimet thậm chí vài mét so với bề mặt đại dương.
Các tác giả nghiên cứu đã cho biết thông tin trên sau khi quan sát các chai nước, bàn chải đánh răng cũ, lưới câu cá bị vứt ra biển. Có khả năng các sinh vật ven biển tiến hóa để thích nghi tốt hơn với cuộc sống trên rác nhựa.
Cách đây 10 năm, các nhà nghiên cứu biển cho rằng sinh vật ven biển không thể tồn tại theo kiểu lênh đênh trên các vùng đại dương khắc nghiệt. Tuy nhiên, trận sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 đã khiến các nhà khoa học thay đổi nhận định này. Khi đó, khoảng 300 sinh vật biển châu Á đã bám vào rác thải nhựa trôi nổi để tới bờ biển Bắc Mỹ.
Các khối rác thải nhựa giữa đại dương đang trở thành nơi sinh sống nhân tạo của các sinh vật ven biển. (Ảnh: Shutterstock)
Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã có thuật ngữ cho những sinh vật lênh đênh kiểu này: Cộng đồng mới sống gần mặt biển, tức là các loài như hải quỳ, sao biển đuôi rắn, tôm, con hà… sinh sôi trên rác nhựa và tới nơi nào mà dòng nước đưa chúng tới. Rác nhựa đang tạo cơ hội cho các sinh vật ven biển phân bố về địa lý rộng hơn so với những gì các nhà nghiên cứu nghĩ trước đó.
Hiện tượng trên có vẻ như là sinh vật biển chiến thắng, thích nghi với điều kiện sống bất chấp việc xả rác thải của con người. Tuy nhiên, tiến sĩ Juan Josse Alava, chuyên gia tại Đại học British Columbia lại cho rằng, hiện tượng này sẽ đưa các loài ngoại lai tới các môi trường sinh sống nhạy cảm, nơi đó chúng có thể xâm lấn và gây hủy diệt với cộng đồng sinh vật bản địa.
Hơn nữa, các cộng đồng này về cơ bản là “bẫy sinh thái”. Nguyên nhân là do khi lênh đênh cùng các khối rác trôi nổi trên biển, các sinh vật sống trên đó thu hút các sinh vật ở tầng trên trong chuỗi thức ăn, như cá, rùa, động vật có vú. Khi các loài này vào khu vực có khối rác lênh đênh trên để tìm thức ăn, nơi trú ẩn, chúng sẽ ăn các sinh vật sống trên rác nhựa này và nuốt cả rác nhựa vào bụng rồi có nguy cơ cao tử vong.
Báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) chỉ rõ, ô nhiễm nhựa trong các đại dương và các vùng nước khác tiếp tục tăng mạnh và có thể tăng lên gấp đôi vào năm 2030.
Hiện tại, nhựa chiếm 85% tổng khối lượng rác thải trên các đại dương. Đến năm 2040, con số này sẽ tăng gần gấp 3 lần, thêm 23-37 triệu tấn chất thải vào đại dương mỗi năm. Điều này có nghĩa là khoảng 50 kg nhựa trên mỗi mét bờ biển.
Theo đó, hệ quả là tất cả các sinh vật biển, từ sinh vật phù du và động vật có vỏ; đến các loài chim, rùa và động vật có vú sẽ phải đối mặt với nguy cơ nghiêm trọng bị nhiễm độc, rối loạn hành vi, chết đói và ngạt thở.
Mặt khác, ước tính khoảng 80% lượng rác thải nhựa đại dương là từ đất liền thải ra, 20% còn lại là tàu thuyền và các hoạt động trên biển khác. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, lượng rác thải là lưới đánh cá chiếm gần một nửa số lượng ở Đảo rác Thái Bình Dương. Nguyên nhân được cho là tác động của dòng hải lưu và sự gia tăng các hoạt động đánh bắt ở đây.
Rác thải nhựa chiếm phần lớn các loại rác thải đại dương bởi 2 lý do: Đồ nhựa có giá thành rẻ, chi phí thấp, điều này có nghĩa là chúng được sử dụng nhiều trong hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sản xuất công nghiệp. Thứ hai là các sản phẩm từ nhựa khó phân hủy và thường tồn tại dưới dạng các mảnh vụn nhỏ.
Vì vậy, con người cần thay đổi cách ứng xử với nhựa, tăng cường tái chế, tái sử dụng các sản phẩm nhựa để kéo dài vòng đời của nhựa, góp phần giảm thiểu việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.