'Rác thải thời đại 4.0' đang được Việt Nam xử lý thế nào?
Hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử. Ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là ti vi có thể lên tới 250 nghìn tấn.
Mỗi năm, người Việt Nam thải ra môi trường gần 90.000 tấn rác thải điện tử.
Theo số liệu thống kê từ Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2010 nước ta có khoảng hơn 3,77 triệu thiết bị điện và điện tử gia dụng bị thải ra với trọng lượng ước tính khoảng 113 nghìn tấn. Hiện mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 100 nghìn tấn rác thải điện tử. Ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là ti vi có thể lên tới 250 nghìn tấn.
Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải điện tử cao nhất. (Ảnh minh họa)
Liên Hiệp Quốc dự báo, các quốc gia phát triển thải ra mỗi năm trên toàn cầu khoảng 65,4 triệu tấn các sản phẩm điện tử.
Rác thải điện tử ảnh hưởng đến sức khỏe con người qua các con đường ô nhiễm đất, nước, không khí, lao động có tiếp xúc trực tiếp với rác thải và bên cạnh đó còn tiềm tàng nguy cơ rò rỉ thông tin từ các chất thải.
Hiểm họa khôn lường từ rác thải điện tử. (Ảnh minh họa)
Trước đây, cách xử lý rác thải điện tử chủ yếu do các cá nhân, cơ sở tư nhân tự xử lý. Việc xử lý rác không đúng cách chính là một trong những nguyên nhân lớn gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sức khỏe con người.
Theo Liên Hiệp Quốc, chất thải điện tử là những sản phẩm bị loại đi có pin hoặc có phích cắm kèm theo các chất độc hại ảnh hưởng cho sức khỏe con người và môi trường. Các thiết bị điện tử đều chứa những nguyên tố độc hại cao như chì, thủy ngân, các chất chống cháy.
Các thiết bị công nghệ, điện tử chủ yếu làm từ nhựa, kim loại chì và những nguyên tố khác chiếm tới 70% tổng lượng chất thải động hại của thế giới.
Nhựa tốn rất nhiều thời gian để phân hủy, quá trình phân hủy có thể mất từ 500 năm đến 1.000 năm. Việc tiếp xúc với chì sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ nhỏ. Hydrocacbon thơm đa vòng, dioxin brom hóa và những kim loại nặng khác sẽ làm axit hóa nguồn nước giết chết cá và những loài thực vật dưới nước.
Nhận thức được mức độ nguy hiểm của loại rác này, để giảm thiểu gánh nặng ô nhiễm cho môi trường, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng tìm ra giải pháp xử lý rác thải điện tử một cách khoa học nhất.
Hiện nay, quá trình thu gom và xử lý các rác thải điện tử ở Việt Nam mới ở mức độ thô sơ, việc xử lý rác thải điện tử vẫn còn là vấn đề bất cập.
Một chương trình mô hình xử lý rác thải điện tử. (Ảnh minh họa)
Nước ta hiện có khoảng 100 cơ sở thu mua và tái chế rác thải điện tử, tuy nhiên việc tái chế này đa phần chỉ dừng lại ở phạm vi thủ công. Còn những cơ sở áp dụng công nghệ cao một mặt còn gặp khó khăn trong việc đầu tư nhân lực, trang thiết bị, mặt khác còn thiếu sự đầu tư về khoa học và chuyển giao công nghệ.
Ở Việt Nam, hệ thống tái chế rác thải điện tử chính thức xuất hiện từ năm 2010 với một số cơ sở ở quy mô công nghiệp vừa và nhỏ cùng các kỹ thuật tái chế phổ biến như hỏa luyện, thủy luyện.
Sơ đồ mô hình xử lý rác thải điện tử. (Ảnh minh họa)
Một số nhà khoa học thuộc INEST, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã và đang nghiên cứu một số phương pháp thu hồi kim loại như nhiệt luyện công nghiệp với PCB, sử dụng thiosulfate hay vi khuẩn cyanua để thu hồi kim loại quý hiệu quả.
Để rác thải điện tử không còn là gánh nặng cho môi trường, cần sớm có luật về quản lý chất thải điện tử và chính quy hóa hoạt động tái chế. Nhà nước và các hiệp hội ngành phải kiểm soát, giám sát được dòng chất thải điện tử cùng với việc áp dụng các quy chuẩn về vật liệu, công nghệ và sản phẩm tái chế.