Rác thải từ khẩu trang tăng 9000% do Covid-19
Các nhà khoa học tại Mỹ đã nghiên cứu tại 11 quốc gia và chứng minh dịch Covid-19 mang đến 9.000% rác thải từ khẩu trang y tế. Việc thực thi đeo khẩu trang phải đi kèm với các chiến dịch giáo dục để hạn chế hiểm họa chúng gây ra cho môi trường.
Rác thải tăng theo cấp số nhân
Để đi đến kết quả trên, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu toàn diện về thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE). Trong nghiên cứu, các nhà khoa học quan sát thấy “sự gia tăng theo cấp số nhân” các PPE (chủ yếu là khẩu trang) trong bối cảnh phòng chống COVID-19.
Phát hiện của họ dựa trên dữ liệu thu thập trên 11 quốc gia, bao gồm Úc, Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan, New Zealand, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh và Mỹ, bằng việc sử dụng ứng dụng thu gom rác Litterati.
Rác thải tăng theo cấp số nhân. (Ảnh: Florida News Times)
Nghiên cứu kéo dài 14 tháng và số liệu tháng 9/2019 được sử dụng làm cơ sở chính. Tình trạng rác thải bắt đầu phát triển ở mức báo động từ tháng 3/2020, khi sự lây lan của virus corona trở thành đại dịch toàn cầu. Thời điểm đó, các chính phủ trên toàn thế giới đưa ra nhiều biện pháp hạn chế, bao gồm cả việc bắt buộc đeo khẩu trang.
“Nghiên cứu cho thấy, quy định bắt buộc sử dụng khẩu trang ảnh hưởng tới việc gia tăng rác thải từ khẩu trang. Chúng tôi phát hiện ra rằng những chiếc khẩu trang thải bỏ đã tăng theo cấp số nhân từ tháng 3/2020, thậm chí tăng tới 84 lần vào tháng 10/2020”, Tiến sĩ Keiron Roberts, trưởng nhóm nghiên cứu của Đại học Portsmouth cho biết.
Trong số các quốc gia được lấy mẫu, Vương quốc Anh cho thấy “tỷ lệ khẩu trang, găng tay và khăn lau tổng thể cao nhất”. Ví dụ, vào tháng 8 đến tháng 1/ 2020, lượng khẩu trang tại Vương quốc Anh chiếm hơn 5% tổng số rác thải, khăn lau và găng tay chiếm 1,5% nữa.
Tiến sĩ Roberts nói thêm rằng, sự gia tăng gần 9.000% lượng rác PPE cho thấy việc thực thi đeo khẩu trang phải đi kèm với các chiến dịch giáo dục để hạn chế việc thải chúng ra môi trường.
“Vào tháng 4/2020, chất lượng nước và không khí đã được cải thiện. Điều này xuất phát từ việc giảm hoạt động tập trung của con người và các biện pháp phong tỏa để chống dịch. Nhờ có các chính sách hạn chế đông người, một số loài động vật cũng quay trở về sinh sống tại các thị trấn và thành phố", Tiến sĩ Roberts cho hay.
Cũng theo vị này, mặc dù chất lượng môi trường có sự cải thiện nhưng việc rác thải khẩu trang gia tăng đang là nỗi lo lớn và cần có giải pháp để khắc phục sớm tình trạng này.
Khẩu trang y tế là hiểm họa đối với tự nhiên
"Khẩu trang y tế sẽ không sớm biến mất. Loại mặt nạ bảo vệ mỏng manh này có thể mất hàng trăm năm để phân hủy ngoài tự nhiên. Khi bị thải ra môi trường, chúng gây hại cho các loài động vật hoang dã", Ashley Fruno thuộc nhóm bảo vệ quyền động vật PETA nói với AFP.
Vào tháng 10 năm ngoái, các nhiếp ảnh gia đã bắt gặp hai mẹ con khỉ Macaque nhai ngấu nghiến một chiếc khẩu trang bỏ đi bên ngoài thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia do nhầm lẫn là thức ăn.
Khẩu trang y tế là hiểm họa đối với tự nhiên. (Ảnh minh họa)
Trong một sự việc gây xôn xao dư luận khác ở Anh, tổ chức bảo tồn RSPCA đã báo cáo phát hiện một con mòng biển nằm bất động dưới mặt đất do bị quai đeo khẩu trang quấn quanh chân ở thành phố Chelmsford. "Con vật chắc hẳn đã mắc kẹt trong một thời gian dài bởi khớp chân của nó bị sưng lên", thanh tra Adam Jones của RSPCA cho biết.
Rác thải khẩu trang không chỉ ảnh hưởng tới các loài trên cạn. Theo nhóm môi trường OceansAsia, hơn 1,5 tỷ chiếc khẩu trang y tế đã bị rửa trôi xuống các đại dương trên thế giới vào năm ngoái, tương đương khoảng 6.200 tấn rác thải nhựa, đe dọa nghiêm trọng cuộc sống của nhiều sinh vật biển.
Các nhà bảo tồn Brazil đã tìm thấy một chiếc khẩu trang bên trong dạ dày của một con chim cánh cụt sau khi xác của nó dạt vào bờ. Một mảnh khẩu trang khác cũng được tìm thấy trong xác cá nóc trôi nổi ngoài khơi bờ biển Miami của Mỹ. Hồi tháng 9, các nhà hoạt động vì môi trường của Pháp còn phát hiện một con cua chết do mắc kẹt bên trong khẩu trang ở một đầm phá nước mặn gần Địa Trung Hải.
"Khẩu trang và găng tay là hiểm họa đặc biệt đối với sinh vật biển. Khi những loại vật liệu nhựa này phân hủy, chúng tạo thành các hạt nhỏ hơn được gọi là vi nhựa, thứ sau đó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và cuối cùng tác động đến toàn bộ hệ sinh thái", nhà khoa học George Leonard từ tổ chức phi chính phủ Ocean Conservancy có trụ sở ở Mỹ cho biết.
Đã có những lời kêu gọi hướng tới việc dùng khẩu trang vải có thể tái sử dụng, nhưng nhiều người vẫn lựa chọn khẩu trang y tế bởi chúng nhẹ và dễ chịu hơn khi đeo.
Theo các nhà vận động vì môi trường, giải pháp tốt nhất là xả rác đúng chỗ và cắt quai đeo của khẩu trang để giảm nguy cơ động vật bị mắc kẹt. OceansAsia cũng cũng kêu gọi các chính phủ tăng tiền phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi và khuyến khích người dân sử dụng khẩu trang có thể giặt được.