'Rác văn hóa' - nhìn từ vụ án 'Tịnh thất Bồng Lai'

Những năm gần đây, các chương trình giải trí 'nở rộ' trên các kênh truyền hình, hầu hết mua bản quyền từ nước ngoài, được các công ty truyền thông hợp tác, mua sóng các đài truyền hình để tổ chức, khai thác lợi nhuận. Bên cạnh việc đáp ứng một phần nhu cầu giải trí của khán giả thì hệ lụy từ các gameshow này mang lại cũng không ít.

Lên kịch bản đánh bóng tên tuổi

Như hàng triệu khán giả trong cả nước, đông đảo khán giả Long An từng thán phục tài nghệ của các thí sinh mặc bộ nâu sồng trong các chương trình thi hát bolero, Giọng hát Việt nhí, Thách thức danh hài,... Ban đầu, nhiều khán giả cũng thắc mắc: Người tu hành sao lại tham gia vào những hoạt động “rất đời” như vậy? Sao “tiểu ni cô” lại có thể hát nhạc Trịnh làm say lòng người đến thế?

Một số khán giả khác thì cho rằng: Ni cô, chú tiểu cũng là con người nên sự xuất hiện của họ trong các chương trình truyền hình cũng rất bình thường. Miễn là họ không làm gì xấu, ngoài chuyện hát hò, các chú tiểu, ni cô vẫn sống tốt, lo tu học, giữ giới luật trong môi trường tu hành.

Thế nhưng, khi vụ việc liên quan “Tịnh thất Bồng Lai” (xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) vỡ lở, mọi người mới ngớ ra khi biết những thí sinh mặc bộ nâu sồng ấy đều chung một “lò”. Tiếng là nương nhờ cửa Phật, “trẻ mồ côi” được cơ sở này nuôi dưỡng nhưng thực tế không phải vậy. Còn nhớ, năm 2014, hình ảnh “tiểu ni cô” Lê Thanh Huyền Trân trong màu áo lam, nón len che đầu tham gia cuộc thi Giọng hát Việt nhí. Dù chỉ đạt Á quân nhưng cô bé 12 tuổi hát nhạc Trịnh thực sự làm nức lòng khán giả. Năm 2017, 2 “tu sĩ” Nhất Nguyên, Hoàng Nguyên được công chúng tán thưởng vì giọng ca mùi mẫn trong cuộc thi hát bolero, cũng chính những “tu sĩ” này đã khoe cơ bắp cuồn cuộn khi biểu diễn thể hình,...

Những "tu sĩ", "ni cô" này đều được rèn luyện từ phòng thu âm, phòng gym trong “tịnh thất”. Họ rất biết cách tạo dựng hình ảnh cho mình khi làm cho xã hội ngộ nhận về họ như những “tài năng” có hoàn cảnh bất hạnh, được nuôi dưỡng, trưởng thành từ một cơ sở từ thiện. Mục đích cuối cùng không gì khác là muốn nhận tài trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

Sự tiếp tay của các gameshow

Đỉnh cao của hoạt động đánh bóng tên tuổi là khi nhóm 5 chú tiểu của “Tịnh thất Bồng Lai” được giới thiệu là trẻ mồ côi, từng gây sốt mạng xã hội khi tham gia chương trình Thách thức danh hài năm 2019 và đã đoạt giải cao. Sau thành công này, các chú tiểu được cư dân mạng đặc biệt quan tâm. Kênh YouTube mang tên 5 chú tiểu - Thiền am bên bờ vũ trụ có 2 triệu người đăng ký, với trên 800 triệu lượt người xem.

“Tịnh thất Bồng Lai” đã dựng lên vở kịch khá hoàn hảo, biết vẽ ra câu chuyện thu hút đông đảo công chúng. Không giống hình ảnh thường thấy về những đứa trẻ mồ côi nhút nhát, ốm yếu, đáng thương, các “tiểu sư phụ” ở đây lại rất hồn nhiên, vui tươi, nhí nhảnh, đáng yêu. Điểm khác biệt này đã làm nên sức hút dư luận. Sự nổi tiếng của những “tài năng nhí” này được cộng hưởng, lan tỏa mạnh mẽ qua mạng xã hội, kênh YouTube,... Từ đó, không ít người đã trở thành nạn nhân của câu chuyện được tô vẽ. Lòng tốt của họ bị lợi dụng khi vô tư đổ tiền tài trợ vào cơ sở nuôi dưỡng “trẻ mồ côi” này.

Dư luận cũng đặt ra vấn đề trách nhiệm của những đơn vị sản xuất các gameshow khi “truyền thông một cách thái quá”, tạo điều kiện cho “Tịnh thất Bồng Lai” qua mặt cộng đồng trong một thời gian dài.

Để đạt tối đa lợi nhuận, những người kinh doanh các chương trình giải trí đã biết cách chọn câu chuyện của các “tiểu sư phụ” để câu khách. “Tịnh thất Bồng Lai” đạt mục tiêu gây sự chú ý của xã hội. Nhà sản xuất gameshow thì tạo được “hit” cho chương trình. Cú bắt tay này khiến nhiều tổ chức, cá nhân hảo tâm thành những người u mê, dễ dàng trao đi sự thương cảm và tiền bạc để giúp đỡ những đứa "trẻ mồ côi". “Tịnh thất Bồng Lai” ngày càng lún sâu vào hoạt động lợi dụng tôn giáo để lừa đảo, trục lợi.

Sự thật cũng được vạch trần

“Tịnh thất Bồng Lai” sau đó đã được ông chủ - nhà sư giả mạo Lê Tùng Vân đổi tên thành “Thiền am bên bờ vũ trụ” nhưng bản chất thì vẫn vậy. Thời gian qua, nơi đây đã lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ, không nơi nương tựa, kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ để trục lợi cá nhân, xúc phạm hình ảnh của Phật giáo, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Qua công tác điều tra, xét xử, ông Lê Tùng Vân - người tự xưng là Hòa thượng Thích Tâm Đức hay Thầy ông nội và đồng bọn bị tuyên án về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Dư luận càng sốc hơn khi kết quả điều tra của cơ quan chức năng cho thấy, ngoài các hành vi lợi dụng tôn giáo để trục lợi, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ông Lê Tùng Vân có thể còn phải đối mặt với pháp luật vì hành vi loạn luân, khi được cho là có quan hệ với nhiều phụ nữ cùng huyết thống tại “tịnh thất”, những đứa trẻ đang sống tại đây cũng bị nghi ngờ là con ruột, cháu ruột của ông Lê Tùng Vân chứ không phải trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.

Chính sự buông lỏng của chính quyền địa phương trong thời gian dài; sự dễ dãi, vụ lợi của những nhà tổ chức gameshow trên truyền hình đã tiếp tay cho lòng tham của những người “đội lốt tu hành” có cơ hội lừa gạt công chúng, tạo dư luận xấu trong đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng và gây mất an ninh, trật tự xã hội. Vụ việc đã được cơ quan điều tra, làm rõ. Đây cũng là bài học đắt giá trong nỗ lực tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Từ sự việc này, thiết nghĩ, các chương trình giải trí cần được chọn lọc, điều tra kỹ hơn các đối tượng tham gia. Những cái xấu, sự lệch chuẩn cần phải được phát hiện, chấn chỉnh và ngăn chặn ngay từ đầu, không để “cái sảy nảy cái ung”, gây nên bao hệ lụy cho xã hội./.

Huyền Linh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/rac-van-hoa-nhin-tu-vu-an-tinh-that-bong-lai-a145289.html