Rafael Nadal và lời chia tay vĩ đại tại Roland Garros
Huyền thoại quần vợt người Tây Ban Nha Rafael Nadal đã chính thức nói lời giã biệt sân đấu trong một buổi lễ trang trọng và xúc động tại Roland Garros - nơi đã trở thành sân đấu huyền thoại của anh với 14 chức vô địch Grand Slam.

"Bộ tứ" quyền lực của làng quần vợt thế giới. (Ảnh: FFT)
Lời chia tay giản dị nhưng trọn vẹn đã khép lại một chương huy hoàng của lịch sử banh nỉ, mở ra khoảnh khắc đầy nhân văn giữa những con người từng ở đỉnh cao làng quần vợt - “Big 4”: Roger Federer, Rafael Nadal, Novak Djokovic và Andy Murray.
Rafael Nadal bước ra sân Philippe-Chatrier vào cuối buổi chiều 25/5 trong tiết trời dịu nhẹ đầu hè Paris. Khoảng 18 giờ theo giờ địa phương, người từng 14 lần đăng quang Roland Garros xuất hiện trong bộ vest đen không cà vạt, nhận được sự chào đón như một người hùng trở về mái nhà xưa.
15.000 khán giả phủ kín khán đài, phần lớn mặc áo thun màu đỏ đất - màu của mặt sân đất nện nơi anh làm nên lịch sử. Dòng chữ “Merci Rafa” (tiếng Pháp: Cảm ơn Rafa) hiện diện khắp nơi. Một bên khán đài, khán giả mặc áo trắng xếp tạo thành chữ “RAFA”, bên kia là “14 RG”, như một sự nhắc nhớ về kỷ lục gần như không thể bị xô đổ.

Sân Philippe-Chatrier chật kín 15.000 khán giả. (Ảnh: FFT)
Buổi lễ bắt đầu với đoạn video tua lại hành trình từ chàng trai 19 tuổi lần đầu vô địch tại Paris năm 2005 đến hình ảnh một huyền thoại được dựng tượng bên ngoài sân đấu. Khán giả không ngừng vỗ tay, reo hò, khiến MC phải lên tiếng kêu gọi giữ trật tự để buổi lễ tiếp tục.
Gia đình Nadal có mặt đầy đủ: Vợ, con trai, cha mẹ, chị gái và người chú Toni Nadal. Ngoài ra, còn có các tay vợt đỉnh cao như Carlos Alcaraz đi cùng huấn luyện viên Juan Carlos Ferrero, trong khi tay vợt nữ số một thế giới Iga Swiatek - người hâm mộ Nadal từ thuở nhỏ cũng hiện diện và xúc động chia sẻ: “Chắc chắn tôi sẽ khóc tại buổi lễ”.

Rafael Nadal phát biểu chia tay người hâm mộ quần vợt. (Ảnh: FFT)
Nadal bắt đầu phát biểu bằng tiếng Pháp: “Tôi đã trải qua quá nhiều cảm xúc trên mặt sân này”. Sau đó, bằng tiếng Anh, với chất giọng đặc trưng, như chính cú đánh thuận tay vòng lưỡi liềm của mình, anh kể về lần đầu đến Roland Garros năm 2004 với đôi nạng do chấn thương.
Anh đứng từ khán đài nhìn xuống mặt sân và ước một ngày được thi đấu tại đây. Một năm sau, giấc mơ ấy thành hiện thực, và rồi được lặp lại thêm 13 lần nữa trong suốt gần hai thập kỷ.
Ban đầu, Nadal không dễ chiếm được cảm tình của người Pháp - có thời điểm anh bị gọi là “quái vật” vì lối đánh giàu thể lực, trái ngược với sự thanh thoát của Roger Federer. Nhưng theo thời gian, Paris đã học cách yêu Nadal.
Ba năm trước, tượng của anh được dựng bên ngoài sân Roland Garros. Và mùa hè năm ngoái, huyền thoại bóng đá Zinedine Zidane đã trao ngọn đuốc Olympic cho Nadal tại lễ khai mạc Thế vận hội Paris 2024.
“Các bạn khiến tôi có cảm giác như một người Pháp thực thụ”, Nadal xúc động nói.
Phần cảm động nhất đến khi Nadal chuyển sang tiếng Tây Ban Nha để gửi lời tri ân tới người chú và cũng là huấn luyện viên đầu tiên của mình - Toni Nadal:
“Cảm ơn vì đã không bao giờ ngừng tin tưởng vào cháu trong những thời khắc khó khăn. Chú là lý do khiến cháu có mặt ở đây hôm nay. Cảm ơn vì đã dành cả cuộc đời để đồng hành cùng cháu. Tập luyện, chiến thắng, thúc ép và thậm chí là làm cháu phải vượt qua đau khổ. Mọi thứ chúng ta đã trải qua đều không dễ dàng, nhưng chắc chắn là xứng đáng”.
Sau tràng pháo tay không dứt là khoảnh khắc mà tất cả đều chờ đợi: Roger Federer, Novak Djokovic và Andy Murray lần lượt bước ra sân.

Những đối thủ đáng gờm nhất, nhưng cũng là những người bạn vĩ đại nhất. (Ảnh: FFT)
Nadal ôm chầm lấy từng người, như một chú rể đón các phù rể trong ngày trọng đại. Họ từng là đối thủ khốc liệt nhất trên sân đấu, nhưng giờ đây là những người bạn gắn bó qua từng thời khắc vàng son của quần vợt hiện đại.
Trước đó, Nadal từng có một mùa giải 2023 đầy lặng lẽ. Tại Malaga - nơi anh thi đấu trận cuối cùng trong sự nghiệp, buổi chia tay được tổ chức một cách cứng nhắc, khiến nhiều người bày tỏ sự thất vọng vì không tương xứng với một huyền thoại.
Có thời điểm, dường như cả thế giới và chính Nadal cũng mệt mỏi với các buổi tri ân liên tục tại các giải sân đất nện. Ở Rome, sau thất bại chóng vánh trước Hubert Hurkacz, anh rời giải trước cả khi buổi lễ chia tay có thể bắt đầu.

"Cảm ơn, Rafa". (Ảnh: FFT)
Nhưng lần này thì khác. Giữa sân Philippe-Chatrier, nơi mà 20 năm qua là thánh địa của Rafael Nadal, mọi cảm xúc, mọi con người đều hòa làm một.
Không còn những nghi thức rườm rà, không cần một bài diễn văn dài dòng, chỉ cần sự hiện diện của những người thân, những khán giả trung thành và những người đồng hành suốt chặng đường dài, để tiễn biệt một tượng đài thể thao huyền thoại.