Rầm rộ tập trận quân sự - Nguy cơ đối đầu giữa Nga và NATO
Sau vụ đụng độ giữa Anh và Nga tại Biển Đen, đối đầu giữa Nga và NATO tăng nhiệt với việc NATO tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì hiện diện tại Biển Đen. Hàng loạt các cuộc tập trận quân sự rầm rộ của cả Nga và NATO cho thấy mức độ đối đầu mới, với nguy cơ xung đột gia tăng.
Hạm đội Biển Đen của Nga hôm qua (1/7) thông báo các tàu chiến nước này đã tiến hành cuộc huấn luyện bắn đạn thật ở Biển Đen. Cuộc huấn luyện diễn ra 2 ngày sau khi Nga thử nghiệm hệ thống phòng không ở Crimea. Cùng ngày, NATO cũng tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì hiện diện ở Biển Đen, bất chấp quan điểm của Nga. Hiện Ukraine và các nước NATO đang tổ chức tập trận Sea Breeze tại Biển Đen, trong khi Không quân NATO cũng tiến hành cuộc tập trận mang tên Ramstein Alloy trên bầu trời các nước Baltic, gần biên giới Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltelberg trước đó khẳng định lập trường của NATO đối với Nga: “Mối quan hệ của NATO với Nga đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Điều này là do các hành động gây hấn của Nga. NATO khẳng định cách tiếp cận song phương đối với Nga: phòng thủ mạnh mẽ kết hợp với đối thoại".
Giới quân sự Nga cho biết đang ghi nhận hoạt động quân sự chưa từng có của NATO gần biên giới Nga, gây ra rủi ro lớn về an ninh và tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Điều đáng lo ngại là Nga cũng tỏ rõ lập trường cứng rắn trước bất cứ hành động nào được cho là chạm tới “lằn ranh đỏ” của Nga, trong đó có khu vực mà Nga tuyên bố là chủ quyền lãnh hải ở vùng biển đông nam bán đảo Crimea trên Biển Đen.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “Các bạn nói rằng thế giới đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh. Tất nhiên là không thể xảy ra. Thậm chí trong sự cố liên quan đến tàu khu trục của Anh ở Biển Đen, nếu chúng tôi có đánh chìm tàu Anh cũng không thể xảy ra nguy cơ một cuộc chiến như vậy. Bởi vì họ biết rằng không thể thắng trong một cuộc chiến như vậy”.
Tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Putin cho thấy Nga sẽ giáng đòn tấn công khốc liệt hơn nếu các sự cố tương tự xảy ra. Nga sẽ bảo vệ những gì được cho là lòng tự trọng của mình. Các quan chức Nga cũng cảnh báo nếu tàu chiến phương Tây đi vào vùng biển này một lần nữa, quân đội Nga sẽ đáp trả mạnh mẽ. Kể cả sau sự cố Nga-Anh, các quan chức quốc phòng Anh cũng phải thừa nhận họ bị bất ngờ trước tốc độ phản ứng của Nga và không nghĩ rằng Nga phản ứng nhanh và quyết liệt như vậy.
Mặc dù vậy cả Nga và NATO đều không muốn đi đến một cuộc xung đột phải sử dụng đến vũ khí hạt nhân hay mở rộng nó ra quy mô toàn cầu. Điều này đe dọa không chỉ lợi ích và an ninh của Nga mà còn cả các nước NATO trong khu vực châu Âu.
Tuy nhiên, những diễn biến hiện nay cho thấy nguy cơ và nhiều rủi ro an ninh tiềm ẩn. Điều quan trọng là cả Nga và NATO cần phải kiểm soát tình hình để giảm những tính toán và hành động sai lầm, có thể kéo hai bên vào vòng xoáy xung đột mới./.