Rầm rộ xe khách trá hình
Núp bóng xe hợp đồng du lịch, hàng loạt xe limousine di chuyển khắp các ngõ ngách trong tỉnh Thanh Hóa bắt khách.
Từ đầu năm 2016, tại Thanh Hóa xuất hiện loại hình xe khách hạng thương gia núp bóng xe hợp đồng du lịch chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội. Dòng xe này xuất hiện ngày càng nhiều và hoạt động gần như công khai khiến rất nhiều nhà xe chạy tuyến cố định bức xúc.
“Biến” xe 16 chỗ thành 9 chỗ
Với “lá bùa” là chiếc phù hiệu xe hợp đồng du lịch được Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cấp, nhiều nhà xe ở Thanh Hóa như Hoa Dũng, Vân Anh, Vĩnh Quang… đã cải hoán hàng loạt ô tô loại 16 chỗ thành 9 chỗ để đưa đón hành khách với giờ giấc, lộ trình cụ thể như xe chạy tuyến cố định.
Hành khách có nhu cầu là có xe đến đón tận nơi. Trong vai một hành khách đi Hà Nội, phóng viên điện thoại tới số máy của nhiều nhà xe ở Thanh Hóa để đặt chỗ đi Hà Nội thì đều được nhân viên hướng dẫn rất cụ thể về giá tiền, số ghế, giờ đi - đến. Với giá vé 160.000-180.000 đồng (tùy vị trí ghế ngồi), hành khách đã có một ghế xe hạng thương gia. Dù giá vé cao gấp đôi so với những nhà xe chạy cố định trên cùng tuyến đường nhưng đổi lại, hành khách sẽ được đưa đón tận nơi, không phải vào bến bằng xe buýt, taxi hay xe ôm...
Để qua mắt lực lượng chức năng, khi lên xe, hành khách sẽ được nhà xe đưa cho 1 tờ giấy giống như tấm vé và dặn “lực lượng chức năng có hỏi thì nói đi xe hợp đồng”. Tờ giấy được giao cho khách phía trước có ghi bên A, bên B ký hợp đồng vận chuyển hành khách (có thời gian và địa điểm đến). Tuy nhiên, phía sau tờ giấy lại ghi lộ trình Thanh Hóa - Hà Nội và ngược lại, có các khung giờ xe xuất phát để đáp ứng mọi nhu cầu của hành khách.
Chủ một nhà xe chạy tuyến cố định ở TP Thanh Hóa cho biết việc xuất hiện loại xe trên tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách. “Chúng tôi chạy tuyến cố định phải hoạt động theo giờ giấc, đóng tiền thuế, phí bến bãi cho nhà nước đầy đủ. Còn những xe trên không ra vào bến nên không phải đóng tiền bến bãi, ăn gian thuế nhà nước. Ngoài ra, họ còn “cướp” hành khách của chúng tôi, khiến nhiều nhà xe rất bất bình. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên Sở GTVT nhưng không được giải quyết dứt điểm” - chủ nhà xe trên bức xúc.
Lo “thuốc” hết rồi!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Luật, Phó Phòng Quản lý vận tải Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, cho biết đây là những xe được cấp phù hiệu dưới dạng chạy hợp đồng nên việc xử lý rất khó. “Cái này sở đang nghiên cứu, kể cả Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu để quản lý chặt vì nhà nước chưa có quy định nào bắt buộc cả. Đối với loại xe hợp đồng trên 10 chỗ, khi xuất phát thì phải truyền dữ liệu về giờ giấc, địa điểm đi - đến về sở. Còn loại xe 9 chỗ trở xuống thì không phải truyền dữ liệu về sở nên rất khó quản lý” - ông Luật nêu.
Cũng theo ông Luật, thực tế người dân đang được hưởng lợi vì họ được đưa đón tận nơi, không mất cung đường ra bến xe nên không kêu ca. “Tuy nhiên, để chấp hành quy định nhà nước, những loại xe trên đều thành lập công ty và phải đóng thuế, không hình thức này thì hình thức khác. Tuy nhiên, đóng thuế như thế nào chúng tôi không rõ” - ông Luật nói.
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa, cho biết đang giao thanh tra kiểm tra hoạt động của loại xe trá hình này để xử lý. “Vừa rồi, Hà Nội điều chỉnh luồng tuyến xe khách, rất nhiều nhà xe kêu ca về loại xe này. Thế nhưng, rất khó xử lý vì chủ yếu khách gọi điện đến, sau đó họ vào danh sách và cho 1 người đứng tên hợp đồng, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì đưa ra đối phó. Họ biết “bệnh” của mình nên đã chuẩn bị “thuốc” hết rồi” - ông Tuấn thông tin.
Theo đại tá Lương Xuân Bốn, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, đây là loại xe 9 chỗ, chạy trên đường giống như xe du lịch bình thường. “Tôi cũng biết loại xe này thường đón khách tận nhà, khi đủ khách thì chạy luôn nên chỉ có thể phạt lỗi bắt khách không đúng quy định. Vì vậy, Phòng CSGT chắc chắn chưa xử lý loại xe này” - đại tá Bốn khẳng định.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ram-ro-xe-khach-tra-hinh-20170407230320123.htm