Rằm tháng 7, hắt hiu vàng mã
Rằm tháng 7 năm nay, việc đốt vàng mã không còn rầm rộ như những năm trước. Theo nhiều người dân cũng như các nhà nghiên cứu văn hóa, đây là một trong những tín hiệu tốt trong văn hóa tâm linh của người Việt.
Thị trường vàng mã ảm đạm
Nếu nhiều năm trước, cứ gần đến dịp Rằm tháng 7 các cơ sở sản xuất vàng mã tại nhiều làng nghề tất bật sản xuất xuyên ngày đêm để phục vụ nhu cầu của người dân khắp nơi. Tuy nhiên, dịp này tại xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) - một trong những nơi được xem là "thủ phủ" sản xuất các loại vàng mã, phục vụ nhu cầu người trần "gửi" xuống cho người âm - lại trở nên ảm đạm. Cũng theo chia sẻ của người dân, nếu như nhiều năm trước, số hộ dân sản xuất vàng mã đông đúc thì một vài năm trở lại đây giảm dần. Lý giải cho điều này, một số hộ sản xuất cho rằng nhu cầu đốt vàng mã của người dân ngày càng ít.
Trao đổi với PV, ông Nam (ở xã Song Hồ) cho rằng: "Nếu trước kia các cơ sở phải sản xuất xuyên ngày đêm, thậm chí không nhận đơn hàng từ mùng 7, mùng 8 Âm lịch. Nhưng hiện nay lượng khách đã không còn tấp nập như trước, bằng chứng là nhiều gia đình, cơ sở đã không còn làm nghề, bỏ nghề bởi nếu sản xuất cầm chừng doanh thu không nhiều, trong khi đó nhân công, máy móc, nguyên vật liệu chiếm nhiều chi phí".
Nói về nguyên nhân dẫn đến sự đi xuống của nghề từng hưng thịnh trong thời gian dài, ông Nam cho rằng: "Thực ra đây là tín hiệu vui chứ không phải buồn, bởi điều này minh chứng cho nhận thức của người dân về việc đốt vàng mã đã thay đổi".
Tại Hà Nội, theo khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm) - nơi từng được xem là "thủ phủ" đồ vàng mã dịp Rằm tháng 7 cũng trong tình trạng vô cùng ảm đạm. Hiện cả dãy phố chỉ còn khoảng 10 hộ gia đình bày bán vàng mã. Các cửa hàng khác đã chuyển sang bày bán đồ chơi phục vụ mùa Trung thu. Thêm nữa, các loại đồ vàng mã bày bán tại con phố này khá đơn điệu, nhiều nhất cũng chỉ là quần áo, mũ nón, nhà tầng hay giày dép cho người cõi âm.
Trao đổi với PV, chị Thành - một tiểu thương cho hay: "Đầu tháng 7 Âm lịch, chúng tôi bắt đầu nhập hàng về để chào bán, nhưng chưa năm nào cảnh mua bán lại ảm đạm và vắng khách như năm nay. Lượng khách ít, vắng từ đầu tháng và các chủ cửa hàng đều nhận ra nên nhiều người quyết định không nhập hàng mã về bán mà nhập luôn đồ chơi Trung thu để phục vụ khách mua buôn về các tỉnh lẻ cũng như các quận huyện ngoại thành khác".
Chọn mua bộ quần áo cho người cõi âm tại đầu phố Hàng Mã, một khách hàng cho rằng: "Tôi cũng chỉ mua bộ quần áo, mũ nón, giày dép và một số đồ khác cho người cõi âm trị giá chưa đến 200.000 đồng thôi chứ không quá nhiều như các năm trước".
Tạo phước từ tâm
Trao đổi với PV xung quanh câu chuyện việc đốt vàng mã trong năm 2019 có xu hướng giảm mạnh, ông Trần Tuấn Anh - thành viên Hiệp hội Công viên nghĩa trang Quốc tế, chủ đầu tư Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên nêu quan điểm: "Bây giờ, mình hãy đi theo hướng tiên tiến, văn minh và thực sự có lợi cho xã hội, cho từng gia đình. Từ đó tiết kiệm được một chi phí rất lớn cho từng gia đình. Theo cá nhân tôi, một năm Việt Nam đốt hết hàng trăm tỷ tiền vàng mã, vô cùng lãng phí. Thực tế có bao người đói khát, bao người đang khổ sở mà chúng ta lại lãng phí điều đó vào vàng mã".
Ông Tuấn Anh cũng cho rằng: "Nói thẳng ra, việc đốt tiền vàng mã nhưng chi bằng tiền thật là không tốt, là tạo nghiệp. Theo tôi, các gia đình có một người mất đi thì gia đình nên làm một vài điều thiện để tạo phước cho người đã ra đi. Ví dụ, thay vì đốt 10 triệu đồng tiền vàng mã, vòng hoa thì chúng ta chỉ đốt tượng trưng hoặc không đốt, còn số tiền nào đấy cho một quỹ từ thiện. Hoặc dành 1 – 2 triệu đồng cho một đứa bé đang nghèo khó, cần tiền mua sách vở, trang trải cuộc sống có ý nghĩa gấp trăm nghìn lần so với việc đốt vàng mã tràn lan.
Hay đơn thuần là trong một đám tang, gia đình nên thông báo không nhận vòng hoa, không nhận vàng mã và chỉ cần một vài vòng hoa tượng trưng, đó cũng là việc tạo phước đối với người ra đi để con cháu được hưởng phước của người ra đi. Tôi cũng quan sát thấy rằng, thực tế rất nhiều người đi chùa, đi lễ đốt hàng chục triệu đồng tiền vàng mã nhưng trong khi đó thấy một đứa trẻ đói rách, ăn xin lại không mảy may quan tâm. Việc bỏ đốt vàng mã cũng cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhận thức của người dân để xã hội ngày càng văn minh hơn để dần dần thay đổi".
Cũng theo ông Tuấn Anh, trên nhiều nước phát triển ở thế giới ở thời đại 4.0 hiện nay đã thực hiện việc thắp hương, giỗ chạp, tưởng niệm bằng điện tử ít tốn kém, tiết kiệm chi phí cho người dân.
Có thể nói, tục đốt vàng mã đang dần đi vào nếp xưa. Nhiều người đã nhận ra được sự vô lý trong quan niệm "trần sao âm vậy". Đồng thời, những công văn phát đi từ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã dần đi vào tiềm thức của nhiều người. Đây là tín hiệu đáng mừng trong văn hóa tâm linh người Việt.
Làng nghề Phúc Am đìu hiu Rằm tháng Bảy
Mọi năm, những ngày này người dân làng nghề Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) phải hối hả sản xuất cho kịp những đơn hàng vàng mã phục vụ lễ cúng Rằm tháng 7. Tuy nhiên, tại thời điểm này năm nay, lượng khách đổ về Phúc Am mua hàng lác đác, sức mua giảm so với các năm trước.
Tại làng Phúc Am những gia đình làm ngựa, voi "khủng" chỉ còn lại khoảng gần chục hộ. Theo những chủ hộ này, họ chỉ làm theo đơn đặt hàng, hiện cũng không nhiều như trước.
Tháng 2/2018 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành công văn số 31 về việc tăng cường nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Công văn đề nghị Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn chư tôn tăng ni trụ trì các tự viện (bao gồm: chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường) nhất là các tự viện là di tích lịch sử - văn hóa tổ chức lễ hội mang tính văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo. "Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam".
Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/ram-thang-7-hat-hiu-vang-ma-20190814204500368.htm