Rằm tháng Mười
'Rằm tháng Giêng, ai có tiền thì quảy/ Rằm tháng Bảy, kẻ quảy người không/ Rằm tháng Mười, mười người mười quảy' - một câu ca dao xưa khái quát lại cả 3 ngày rằm lớn trong năm. Cùng với rằm tháng Giêng (Thượng nguyên), rằm tháng Bảy (Trung nguyên), rằm tháng Mười (Hạ nguyên) chất chứa bao ước vọng về một cuộc sống bình an, hoan hỉ của người đời. Ước vọng đôi khi chưa thể thành hiện thực, nhưng dẫu sao, có ước vọng cũng vẫn tốt hơn!
Theo Phật giáo, rằm tháng Mười là ngày Vua Hạ Vũ giải tai ách cho nhân sinh, được xem như lễ tạ ơn. Ngày này, mọi nhà đều thu hoạch được thực phẩm trong vụ mùa trước đó, tổ chức cúng lễ tạ ơn như câu ca dao “Rằm tháng Mười, mười người mười quảy”. Ngày nay, nhiều người không còn nhớ rõ ý nghĩa ban đầu của rằm tháng Mười nữa, mà họ xem đây là một ngày lễ lớn đối với tín đồ Phật giáo nói riêng, người dân Việt nói chung. Thượng tọa Thích Phước Đạt (Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh) trong “Giá trị tâm linh của Lễ hội rằm tháng Mười” nhận định: “Nhất là đối với người phật tử, rằm tháng Mười là dịp để mọi người con Phật hướng tâm tu tập, trên nhờ ân đức chư Phật mười phương gia hộ, kế đến là tổ tiên ông bà che chở. Nhưng quan trọng hơn hết là mỗi người phải biết nhớ ơn, đền ơn, kết nối truyền thống gia đình trong ý nghĩa “Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng/ Nghĩa sinh thành muôn kiếp khó đáp đền”. Rằm tháng Mười hàng năm được tổ chức trọng thể như nghi thức của phong tục tập quán nói trên, không chỉ ở trong mái ấm gia đình mà nó đã lan tỏa vào trong khuôn viên nhà chùa”.
Vào dịp rằm này, chùa nào cũng đông phật tử đến làm công quả, cúng lễ, từ sáng sớm đến tối muộn. Sau khi mua hoa, trái cây cúng kiếng trong nhà, với nhiều người, rằm tháng Mười chỉ được xem là trọn vẹn khi họ đến chùa, thành tâm lễ bái, cầu nguyện mọi điều an yên cho chính mình và người thân. Cúng lễ xong, nếu có thời gian, họ nhất định sẽ nhiệt tình giúp đỡ sắp xếp, dọn dẹp, bày bàn ăn giúp các tăng ni trong chùa tiếp đãi khách thập phương. Đến khi mọi thứ tạm ổn, họ mới ngồi lại, ăn bữa ăn chay với nhà chùa. Ngày rằm đông đúc, khách đến vãng chùa vẫn có thể hòa mình vào tiếng chuông chùa trầm ấm, tiếng tụng kinh gõ mõ đều đều, tiếng khấn vái thì thầm trong chánh điện, tiếng nói khẽ của người trong bếp… Họ còn được cảm nhận mùi thơm từ nhang khói, mùi thức ăn chay nhẹ nhàng, mùi thanh tịnh của chốn tu hành. Trong khoảnh khắc, dường như mọi khó chịu, buồn phiền, lo nghĩ của cuộc đời thực bỗng như tan biến. Khoảnh khắc ấy, chỉ còn lại chính mình và sự bình yên, tự tại đến từ tâm hồn.
“Tôi ít ăn chay, cũng không theo đạo Phật. Từ nhỏ, tôi nghe người lớn nói nhiều về các ngày rằm lớn, thấy cha mẹ hay mua lễ vật cúng trong chùa, trong nhà. Ấn tượng về ngày rằm trong tôi là ước mong của người lớn về cuộc sống an ổn, không bệnh tật, không sóng gió, nếu được thì cầu mong thêm con cháu công thành danh toại, cuộc sống khá giả. Sau này, khi đã trưởng thành, dường như tôi cũng bị ảnh hưởng suy nghĩ đó, giống như cha mẹ, thầm đặt những ước mong tốt đẹp trong ngày rằm” - bà Phan Thị Khánh (52 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên) bày tỏ.
Có khi, rằm tháng Mười còn gắn bó sâu sắc với cuộc sống thực tại của mỗi người. “Đối với tôi, rằm tháng Mười rất có ý nghĩa. Mẹ tôi mất vào rằm tháng Mười, nên tôi gửi hài cốt mẹ vào chùa gần nhà. Cũng vì vậy, nhiều năm nay, tôi có thói quen đến chùa, nhờ nhà chùa nấu bữa cơm tưởng nhớ ngày mất của mẹ, rồi lễ Phật cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất cho gia đình” - ông Nguyễn Lệ Hùng (45 tuổi, ngụ TP. Châu Đốc) vừa chia sẻ, vừa bận rộn phụ giúp dọn cơm trong bếp của chùa. Đến giờ làm lễ, tiếng tụng kinh cầu siêu, cầu nguyện lẩn khuất trong không gian, xung quanh mâm cơm cúng giỗ. Hiếu và lễ hòa quyện cùng nhau, thể hiện nét văn hóa tâm linh đặc sắc nơi cửa Phật trong ngày rằm.
Tôi mượn lời của thượng tọa Thích Phước Đạt để kết bài, trong ý nghĩa thiêng liêng, ngập tràn khát vọng sống, rằm tháng Mười hàng năm càng tôn vinh thêm các giá trị tinh thần văn hóa cội nguồn dân tộc, nhất là văn hóa - triết lý sống Duyên khởi của đạo Phật. Một trong những biểu hiện triết lý sống này là thực thi lòng biết ơn và tri ân tất cả. Dịp này là dịp cha mẹ, ông bà thiết lập và dạy bảo con cháu sống theo tinh thần suy nghiệm về cội nguồn, biết sống theo tinh thần giải thoát khổ đau, hệ lụy với những cám dỗ cuộc đời. Từ đó, con cháu - mỗi người biết tiếp nhận nguồn sống vô biên mà khi được mở mắt chào đời đã được trao cho cái gia tài đầu tiên của con người là “Tình người”.
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/ram-thang-muoi-a258393.html